1. Yêu ghét giận buồn vui...là những phạm trù thuộc về cảm xúc, loài người không ai không có, loài vật chim muông cũng có. Con người thường đan xen hai phạm trù cảm tính và lý trí, không ai cảm tính hết hoặc lý trí hết. Với người lý trí > cảm tính, họ thường sống khoẻ và thọ hơn người có cảm tính > lý trí. Theo tâm lý học, trẻ con, phụ nữ, người châu Á, người nông thôn, người nghèo,...thường có cảm tính nhiều hơn lý trí. Ở người cảm tính, "đạt lý" không quan trọng bằng "thấu tình". Còn với người lý trí, "đúng luật, minh bạch" là đủ. 

2. Ở người cảm tính, trái tim mạnh hơn khối óc, dẫn đến hành xử không theo logic mà theo cảm xúc, cảm xúc lên cao là che át lý trí. Họ không thích làm việc nhóm và rất khó tính toán làm ăn. Dù chưa có thông số dữ liệu (facts) nào, họ kết luận và quyết định ngay theo chủ quan, suy diễn chứ không phải suy luận. Đứng trước 1 sự cố, họ chọn giải pháp hệ tiêu cực như đổ vỡ, chia ly, nghỉ việc, ly hôn, giải tán, đóng cửa, ra đi,... Vì quá yêu màu hồng, quá ghét màu xanh dẫn tới thấy ai mặc đồ xanh là ghét, thấy ai mặc đồ hồng là yêu. Bán hàng cho họ ư, cứ lấy cảm tình xong là "chị thích nên bán gì chị cũng mua, còn thằng kia á, chị ghét nên miễn phí chị cũng không lấy". Khi giận lên, họ thậm chí "tao sẵn sàng bán nhà để chơi khô máu với mày". Các nhóm khủng bố thường lợi dụng những người này để đánh bom liều chết sau khi tiêm vài mũi doping tinh thần. Mỵ Châu khi chạy giặc, nàng vẫn lén cha bứt và rắc lông ngỗng cho Trọng Thuỷ đi tìm. Nhiều cô gái khi iu thì quên hết, chủ động dọn đến nhà bạn trai ở chung để hầu hạ, đeo bám kiểm soát, luôn miệng doạ tự tử, khiến các chàng luôn trong tình trạng "thấy chán muốn bỏ quách, mà sợ nó chết thì mang tội". 

Người khôn khéo sẽ không bao giờ chê hay nói thẳng khuyết điểm với người cảm tính, vì sẽ gây phật lòng. Họ khen, nịnh, chiều chuộng, nhiệt tình giúp đỡ mấy cái lặt vặt, dành thời gian để gây nợ tình cảm, nắm được cái thóp "yêu ghét" rồi lợi dụng. Các chàng trai đa tình thường chọn các nàng cảm tính, dối gian thoải mái, về nịnh lại hai ba câu thì tươi cười như hoa. "Tôi xin người cứ gian dối, nhưng xin người, đừng lìa xa tôi". 

Khi rõ mười mươi là phản bội, từ trạng thái yêu, người cảm tính ngay lập tức chuyển qua thành thù hận. Một cụm từ người cảm tính hay dùng là "cạch mặt", tức đi kể nỗi niềm với người khác về tính xấu người kia trước khi tuyệt giao. Tuyệt giao nhưng lòng không quên, ba nó tên là Sở Khanh thì thằng con thường bị mẹ đặt tên là "Hoài Hận", ý nói hận hoài ngàn năm.  

Người đã cảm tính còn có chút tiêu cực trong não thì lại phức tạp muôn phần. Họ chỉ thấy "gai" trong bụi hoa hồng, thấy "phần nước chưa đầy" trong ly nước, thấy mặt xấu nhiều hơn mặt tốt. Trong 1 đoàn khách du lịch, thể nào cũng có vài ba người thuộc nhóm này. Họ phàn nàn mọi thứ từ chỗ ăn, chỗ uống, giá tiền, cung cách phục vụ, tài xế, xe cộ, máy bay....và thậm chí còn giật dây cho những khách yếu bóng vía khác để có cùng đồng minh. Ai bản lĩnh lắm mới không bị cuốn theo những suy nghĩ tiêu cực mà "đứng ra 1 bên". Cứ có mặt 1 người cảm tính nặng nề trong 1 tập thể, mọi thứ sẽ bị mất vui, dù là 1 chuyến đi ngắn. Mấy bạn này hồi nhỏ làm văn, tới dòng văn học "hiện thực phê phán" là điểm cao chót vót. Trong cái ô kẻ "lời phê của giáo viên", giáo viên nhận xét "em phê dữ quá, hết chỗ....cho cô". 

3. Ngược lại với người cảm tính là người duy lý, sống và hành xử theo logic, theo các sự kiện, quy tắc, quy định. Người lớn tuổi, đàn ông, người phương Tây, người sinh sông ở đô thị lớn nhiều đời, người giàu, nhà khoa học, nhà kinh doanh....thường có lý trí > cảm xúc. Họ suy luận chứ không suy diễn. Tức khi đánh giá một người, một sự vật, hiện tượng...họ thu thập dữ kiện rồi suy ra như toán học vậy. Đặc điểm của người vĩ đại, doanh nhân lớn, nhà giàu, nhà khoa học...là họ khách quan đến vô cùng. Con ruột của họ xấu gái thì họ vẫn nói con tao xấu, ráng kiếm tiền đi sửa thẩm mỹ đi. Hùn hạp làm ăn, họ quan tâm đến khía cạnh "hiệu quả, cùng nhau làm lớn" hơn là mấy cái râu ria như tính tình hiền hậu, hạp rơ, dễ thương, vui vẻ, đẹp trai đẹp gái. Trong công việc, họ chỉ mổ xẻ "cái gì đúng, cái gì sai, what's right, what's wrong" chứ không phải "ai đúng, ai sai, who's right, who's wrong" nên tranh cãi có dữ dội xong rồi thôi, không để bụng. Họ không công kích cá nhân dựa trên các yếu tố ngoại hình, giới tính, học vấn, tôn giáo, vùng miền, chủng tộc, xuất thân, tiền bạc....Họ luôn tránh những cụm từ đặc sệt cảm tính, đậm chất trẻ thơ như món này ngon, món kia dở; dòng nhạc này văn minh, dòng nhạc kia sến; gu này sang trọng, gu kia quê mùa;...vì làm gì có thước đo các tiêu chí cảm tính này. Họ enjoy mỗi phút giây họ sống, mỗi 1 con người họ gặp, mỗi vùng đất họ đi qua để trong đầu họ, bao giờ cũng là kỷ niệm đẹp mỗi khi nhớ về. Đứng giữa sự lựa chọn, họ sẽ chọn giải pháp win-win, tôi cũng được mà anh cũng được, không ai buồn. Khi có cảm xúc tiêu cực, họ để cảm xúc nguội sau vài ba tháng có khi cả năm rồi mới chọn giải pháp.

4. Các bạn trẻ thân mến. Mình xuất thân từ văn hoá lúa nước làng xã, nên suy nghĩ và hành xử cảm tính là điều rất dễ hiểu. Nhưng cần phải mở lòng ra học tập trong thời đại toàn cầu. Không phải ghét Khổng Tử mà câu nào của ổng cũng thấy khó chịu. Cũng không vì yêu Jack Ma hay Bill Gates mà cái gì của ổng cũng hay. Không vì ngưỡng mộ Mourinho mà thấy cái áo choàng lông cừu của ổng trên sân Stamford Bridge cũng đẹp, bèn mua một cái bận vô tha thướt chạy xe máy giữa trời nắng nhiệt đới Việt Nam. Không vì ghét tỉnh A, nước B, người khác mình mà kỳ thị, gọi họ là bọn này lũ kia, khựa này bọ kia, ả này gã kia. Một nhóm người Trung Hoa cổ đại thiển cận đã xem họ là trung tâm tinh hoa, còn xung quanh đều là man di mọi rợ, khiến Lão Tử có lần đã chỉnh đốn, dạy học trò rằng, phàm là người, không được để mình có ý nghĩ xấu xa như vậy. Do học hành chưa tới mới có ý nghĩ đó trong đầu. Nếu mình gọi họ như vậy thì tự khắc mình đã hạ giá trị của mình xuống rất thấp, vì không tự tin nên mới tìm cách hạ bệ cái/người mình không ưa xuống cho thoả cảm giác mình hơn. Khi người ta rơi ngựa hoặc đau khổ, mình vỗ tay mừng là 1 sự hạ thấp đến cùng cực nhân phẩm của chính mình. 

Những tư tưởng nhỏ hẹp này đã đi ngược lại với các giá trị mới của người tiến bộ. Cùng 1 dân tộc, 1 đất nước mà kỳ thị nhau thì quá dở. Cùng 1 châu lục, cùng sinh sống chung trên 1 trái đất mà đi ghét nhau thì não nhỏ. Có mấy chục năm sống trên đời đâu. Yêu hoặc không yêu, nhưng không ghét. 

5. Ở đâu, ai cũng có mặt xấu mặt tốt. Lý trí là nhận ra mỗi cá nhân xấu tốt thông qua xâu chuỗi các hành động, xem kỹ bản chất của họ. Tuyệt đối không nghĩ đến họ xấu là do đến vùng miền xứ sở hay học vấn, địa vị, ngoại hình. Vì ghét Pháp nên không coi phim Pháp, không học tiếng Pháp, không xài đồ Pháp, cảm tính vậy thì cá nhân mình thiệt thòi thôi. Không vì thằng Tèo nào đó ở VN tẩy chay mà văn minh Pháp bớt rực rỡ, tiếng Pháp lụi tàn, hàng hoá Pháp ế ẩm. Mình có là ai đâu, 1 cá nhân vô danh trong 8 tỷ người. Mình có chết thì trái đất vẫn quay, người ta vẫn sống bình thường. 

6. Nhạc sĩ Trịnh cũng vài lần thừa nhận cảm xúc tiêu cực, "khép cửa, sống ơ hờ, quỳ mãi bên vết thương lòng". May mà ông nhận ra nên chỉ có đôi lần khép rồi lại mở ra. 

"Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ 

Tôi nghĩ quanh đây hồ như 

Đời ta hết mang điều mới lạ 

Tôi đã sống rất ơ hờ. 

Lòng tôi có đôi lần khép cửa 

Rồi bên vết thương tôi quỳ. 

Vì em đã mang lời khấn nhỏ 

Bỏ tôi đứng bên đời kia"


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.