1. Trong làm ăn, lo nhất là đầu ra. Nhiều bạn tìm vô các ĐH ngành kinh tế để học, nghĩ là sẽ biết cách làm, nhưng thực tế không phải. Làm kinh tế thuộc về nghệ thuật (giống âm nhạc, thể thao, diễn xuất, hội hoạ,...), phải có năng khiếu đã, rồi mới học thêm. Kinh tế không phải là khoa học tự nhiên để 1+1 bằng 2, mà là khoa học hành vi, nên có thể  1+1 =11, thậm chí bằng 111.  Những doanh nhân nổi tiếng phần lớn là tay ngang, tự đào tạo. Việc lên lớp cầm micro nói qua nói lại thảo luận trong các lớp quản trị kinh doanh là vô nghĩa. Cứ đưa cho giảng viên và sinh viên 1 đống hàng, cho họ bỏ tiền ra mua để có áp lực rồi sáng bán chiều bán, tối ngồi lại thảo luận, đúc kết, tự động hiểu được. Học đúng là để làm, không phải học để biết. 

Tố chất làm kinh tế, đặc biệt lĩnh vực marketing, phải có sense thứ 6, thứ 7, thứ 8, thứ 9, thứ 10 (nôm na là tư duy cảm giác, business sense, sense of humor,…). Để có sense, người ta phải có TÂM HỒN, phải cảm nhận rất tinh tế và rung động vật và người. Họ có tâm hồn thì SP hoặc DV của họ mới đẹp, ngon, hay, hấp dẫn từ bao bì lẫn bên trong. Không có tâm hồn, nhìn SP của họ là muốn đè đầu ra quánh. 

2. Mình có tâm hồn rồi, thì sau đó mới đi học cách diễn tả cái cảm nhận đó cho người khác cùng cảm nhận. Ví dụ có sense về diễn xuất, đi học diễn xuất, sẽ thành diễn viên, biểu diễn cho khán giả khóc cười. Nhiều diễn viên phùng mắt trợn mang, cố gắng gây hài nhưng kết quả là ăn dép và cà chua thối. Mình học viết, thầy cô chỉ có thể hướng dẫn về từ vựng, ngữ pháp, cách diễn đạt, còn muốn cho độc giả say mê thì bản thân người viết phải có sense, nếu không, chỉ là những dòng chữ gượng gạo của người thợ chữ. Bạn mặc đồ của nhà thiết kế, cũng hở lưng đồ, cũng bước đi trên thảm đỏ, té lên té xuống nhưng không ai quan tâm. Nhiều người lộng lẫy nhưng không có duyên, nhạt nhoà trong đám đông. 

3. Làm nghề gì cũng cần giỏi marketing. Dạy thì học trò phải lặn lội theo học, hát thì phải bán được vé, kinh doanh thì phải làm sao đó để người mua nhớ đến mình, ngày ngày phát sinh nhu cầu mà đặt. Mình đọc các tấm gương thành công, thấy mê nhưng không thể bắt chước. Cùng lò đào tạo với Messi hay Mbappe, có thể Messi hay Mbappe thi các bài tốt nghiệp điểm thấp hơn các bạn, nhưng ra trận đấu thực tế, các ngôi sao họ có cảm giác bóng tốt, có duyên ghi bàn, sense của họ nổi bật. Những ca sĩ nổi danh cũng vậy, nếu thi hát, thì chưa chắc bằng các thí sinh khác, nhưng họ cất giọng thì vô tận tâm can người nghe. Nhân viên bán hàng giỏi, cứ đưa hàng vô tay họ, thì họ chốt ào ào. Do có sense. 

4. Để có tâm hồn, chịu khó bớt nhìn điện thoại máy tính, dùng mắt quan sát tự nhiên, yêu trăng yêu gió yêu mây yêu ngày nắng lẫn ngày mưa, yêu mùa đông lẫn mùa hè, yêu mọi hiện tượng thời tiết vì biết nó là những hiện tượng của trời đất. Yêu đủ thể loại người, dù họ tích cực hay tiêu cực, họ dễ thương hay lếu láo, yêu sạch (nói mày rất láo nhưng tao vẫn yêu mày, vì tao đang muốn có tâm hồn! Nói vậy cho nó xám hồn!). Đọc sách văn học nghệ thuật, nghe nhạc cổ điển, xem tranh, xem điêu khắc, coi sân khấu cổ truyền... Có 7 nghệ thuật thì mình đều thử và cảm nhận. Và quan trọng nhất để có nhiều sense vẫn là LÒNG NHÂN ÁI, tức lòng yêu thương. Không yêu không thương thì không cảm nhận được gì hết. 

Lòng có yêu thương, tim có đập rộn ràng thì mới có sense. 

"Mặt đất còn gai chông

Bầu trời còn bão tố

Khi nào em đau khổ

Hãy tìm đến với anh" (bài hát Tâm Hồn, Thái Bảo ca).


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.