Nếu bạn hỏi một người nào đó ở phương Tây, môn gì đáng nhớ nhất trong quãng đời học sinh, họ thường sẽ nói hai môn Địa Lý và Hùng Biện.

Môn địa lý giúp họ biết nước này nước kia, chỗ này chỗ kia. Giáo viên vào dạy sẽ nói "hôm nay chúng ta đi du lịch sang Phi Châu trên trang sách", và học sinh đều sẽ phải trả lời câu hỏi "Em sẽ đích thân đến nước ví dụ Cote D'Ivoire (Bờ biển Ngà) vào năm em bao nhiêu tuổi, em sẽ ở đó mấy ngày, em sẽ đi tham quan chỗ nào".

Thầy cô dạy địa lý luôn là được các học trò vây quanh để hỏi han. Quả địa cầu là dụng cụ được các em quay tới quay lui nhiều nhất. Những ước mơ và quyết tâm đi tắm nắng biển Boracay, trượt tuyết đỉnh Alpes, cưỡi lạc đà sa mạc Sahara, chinh phục Everest,...cũng hình thành từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Giáo viên và cha mẹ khuyến khích các bạn trẻ đi, đi và đi. Có cơ hội là đi. Càng nhiều càng tốt.

Hùng biện cũng là môn bắt buộc trong chương trình học. Mỗi học sinh sẽ cầm micro đứng trước lớp, cả khối và sau đó là trước cả trường, đứng bốc thăm ứng xử như thi hoa hậu vậy. Những câu hỏi thường đặt ra cho các bạn nằm ngoài sách giáo khoa, thường là trong những cuốn sách kinh điển về những tư tưởng lớn lao, của những vĩ nhân trong nhân loại. Vì có thể bạn không thể trở thành như họ, nhưng họ là 1 tấm gương để phản chiếu tâm hồn nhỏ hẹp của mình, giúp mình rộng lớn dần lên.

"Bạn sẽ làm gì khi bạn là thủ tướng của nước ta", "năm 30 tuổi, bạn có tài sản 1 tỷ đô la Mỹ, bạn sẽ làm gì để có mức tài sản đó và khi có mức tài sản đó, bạn sẽ làm gì". Hoặc "nếu bạn theo nghiệp lính, bạn nghĩ bạn sẽ đạt mức cao nhất là chức gì, nguyên soái, đại tướng, sư đoàn trưởng hay đại đội trưởng hay binh nhì..."....luôn là các câu hỏi do các thầy cô đặt cho học sinh từ cấp 1. 

"Nếu bạn theo nghiệp kinh tế, thì bạn sẽ giải quyết được bao nhiêu lao động?". "Hay bạn theo nghiệp nghệ sĩ, khoa học, tên bạn có trong viện bảo tàng hay không?". "Bạn xác định bạn là người vô danh hay hữu danh trong lịch sử nhân loại?". "Bạn có nên mua nhà mua chung cư mua xe? Tại sao bạn không thể xây nhà xây chung cư sản xuất xe cho người ta mua?" "Bạn không cần chơi cổ phiếu vì bạn sẽ phát hành cổ phiếu cho người ta chơi".

"Người tầm thường quá nhiều rồi, bạn không cần gia nhập thêm 1 người nữa (là bạn) vào trong đó. Tinh hoa thì luôn ít, luôn thiếu, thêm 1 cũng quý giá cho nhân loại lắm thay". "Nếu bạn ngây ngô hỏi-ai cũng làm chủ làm sếp thì lấy ai làm công, thì bạn hãy đến Israel, các nước tiểu vương quốc Ả Rập, Brunei,...để lấy họ đã nhập lao động từ các nước để quản lý thế nào. Người nghĩ ra việc thì ít chứ người xin việc thì luôn thừa mứa. Người nghĩ ra cách kiếm tiền để thuê người thì hiếm chứ người sẵn sàng bán sức lao động của mình thì vô vô vàn vàn, đừng có hỏi mấy câu ngốc nghếch vậy nữa".

Sinh viên Việt Nam sang du học nước ngoài, dù tiếng Anh xuất sắc, nhưng khi trà dư tửu hậu với các bạn bên kia, thường không có pha trò được, khó cười theo các câu chuyện hài của bạn bè vì tầng tầng lớp lớp các cuốn sách họ đã đọc và review trong những năm tháng làm học sinh, mình hoặc đã quên hoặc chưa đọc bao giờ do luyện thi toán lý hoá sinh...đến tội nghiệp.

Thôi hoàn cảnh rồi, bây giờ, mình đọc cũng không hề muộn. Nếu bạn có con cái đang học cấp 2, cấp 3, hãy mua cho chúng. Còn nếu bản thân bạn chưa đọc, thì nên đọc ngay. Còn bạn biết rồi mà cũng không đọc thì đừng trách ai, MỌI THỨ LÀ DO BẠN. Và bạn đọc cả những nhân vật phản diện nổi tiếng, để rút ra những bài học mà mình không phạm sai lầm theo. Đã đọc sách thì lựa sách của người có tư tưởng lớn mà đọc. 

Qua cuốn sách DÁM NGHĨ LỚN, bạn sẽ biết vì sao xã hội từ cổ chí kim không bao giờ công bằng, dù đó là ước mơ chính đáng và thánh thiện của loài người. Ước mơ 1-2-3-4 (1 vợ 2 con 3 lầu 4 bánh) chẳng có gì sai nhưng không được cổ vũ, vì xã hội không thay đổi gì lớn lao nếu ai cũng hướng đến mục đích này. Ước mơ lên thành phố làm việc, đổi đời, tận hưởng sự tiện nghi, đi nước ngoài du học rồi tìm cách ở lại lấy thẻ xanh cũng không có gì sai, nhưng nếu khuyến khích thì đô thị càng chật chội đông đúc, nông thôn càng nghèo khó, hoang vắng, bình diện xã hội của 1 đất nước, tương lai của 1 dân tộc không phát triển được. 

Dù người bé nhỏ luôn an ủi nhau rằng "gà có vẻ đẹp riêng của gà, người nghèo mà trong sạch thì hơn cả người giàu" thì các bạn sẽ thấy có 1 luồng tư tưởng đối lập trong sách này. "Gà chẳng có vẻ đẹp gì ngoài giá trị thịt nó mang lại, nhưng đại bàng thì có", "giàu có và tử tế là khái niệm song hành với nhau chứ không phải như người nghèo nghĩ là giàu có là bất lương, giàu có do chụp giật, đó không phải là người giàu, mà chỉ là người có tiền. Mục tiêu là chúng ta phải có thành tựu, và giúp đời" - tư tưởng trong sách này như thế. Đó là tư tưởng của những người nghĩ lớn, những dân tộc nghĩ lớn, của những người có thành tựu. Và nó không dành cho số đông. Nếu viết để mơn trớn số đông, người ta sẽ đứng về phía họ, để được khen hay. Nhưng có những tư tưởng rất khác, sẵn sàng khác biệt, cũng chỉ dành cho thiểu số khác biệt. 

Hai anh em sinh đôi cùng trứng, lớn lên cùng một mái nhà, học chung 1 trường 1 lớp, giống nhau mọi thứ nhưng cuộc đời rất khác. Đơn giản là mỗi người sẽ bắt đầu nghĩ khác, tư duy khác và hành động khác nhau...thông qua các cuốn sách họ đọc, những người họ gặp, những việc họ làm và khả năng chiêm nghiệm, suy tư. Người thông minh nhưng không thành công trong xã hội rất nhiều, lý do? Người nhanh nhẹn, kẻ lù đù vì sao mà có? Người thì có quá nhiều cơ hội, còn người thì chẳng có chút may mắn hay cơ hội gì, không AI CHO và cũng không TỰ TẠO được, lầm lũi như thế cho đến hết kiếp làm người. Tại sao lại như thế?

Nhớ đọc từ từ, nghiền ngẫm, một ngày 5-10 trang, ngày nào cũng đọc cho đến khi hết sách. Bạn sẽ vỡ ra rất nhiều điều, và nếu bạn thật sự là một trí thức (có trí và có thức, khái niệm người trí thức không liên quan đến bằng cấp hay trình độ học vấn, trình độ văn hoá nhé), đời bạn sẽ khác. Chắc chắn khác.

Lý Quang Diệu từng nói trong một bài diễn thuyết "Bi kịch lớn nhất của các nước Đông Nam Á và Nam Á (Ấn, Băng La-Đét, Pakistan...) là có quá nhiều người nghĩ nhỏ, cổ vũ cho tư tưởng nhỏ. Nghĩ nhỏ thì không làm kinh tế được, mà không có kinh tế mạnh thì những giá trị nhân văn xã hội khó mà lên cao. Bần cùng sinh đạo tặc. 

Thường những người không có thành tựu sẽ tìm cách an ủi mình bằng những tư tưởng nhỏ, để mình tự thấy còn có chút giá trị. Các bạn chớ có nghe theo, nghèo khó thì trong sạch cỡ nào cũng đâu có ai biết. Phải nghĩ đến cái giàu có, phồn vinh, cộng đồng, người không có cơ hội. Mỗi dân tộc càng nuôi dưỡng càng nhiều tinh hoa, cá tính và đột phá càng tốt. Kinh tế và phồn vinh cũng từ đó mà phát triển theo".


https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.