Người Iran tự hào ghi tên mình vào những dân tộc trên hành tinh này biết chế tạo xe hơi. Hãng xe IKCO là hãng xe lớn với gần cả triệu chiếc/năm, xuất khẩu đến hơn 40 thị trường ít ai để ý như Trung Á, Trung Đông, Trung Mỹ, Nga, Đông Âu...

Xe hơi là biểu tượng thịnh vượng cho xã hội ngày nay, giống 200 năm trước là xe ngựa, 100 năm trước là xe đạp, 50 năm trước là xe máy. Trung Quốc, Indonesia, Pháp, Mỹ, Anh... cho đến Srilanka, Mông Cổ..., xe hơi luôn là đề tài thú vị khi cánh đàn ông tụ tập với nhau. Các cô bé cậu bé trung học khắp thế giới vẫn "đố bạn" trong lúc ra chơi về logo của các hãng xe, thương hiệu Jaguar do nước nào đang sở hữu...Mô hình xe hơi thu nhỏ có điều khiển là mặt hàng đồ chơi trẻ em bán chạy nhất. Khắp nơi, người khá giả vẫn đi xe hơi riêng và đóng thuế xe, phí cầu đường, bãi đỗ... hỗ trợ người thu nhập ít hơn dùng các phương tiện công cộng. Sinh viên đang đi học, công nhân viên mới ra trường thì phải đi xe buýt, tàu điện, xe đạp...để tích luỹ tiền mua xe hơi. 

Ở Iran, xe Samand được xem là quốc xa (national car). Xe hơi đi liền với công nghiệp luyện thép, công nghiệp chế tạo phụ tùng, cao su, nhựa, động cơ...nên không dễ thực hiện, phải bền bỉ đến cùng, dựa vào nội lực quốc gia chứ không thể dựa vào ngoại bang. Lịch sử cho thấy chưa có 1 hãng xe nào tới đặt nhà máy rồi bàn giao nền công nghiệp chế tạo ô tô cho nước đó cả, đơn giản họ đến để kiếm tiền từ thị trường đó. Họ ra đi thì chỉ để lại "kỹ năng lắp ráp" như đứa trẻ xếp đồ chơi Lego. Vì vậy, người Iran kêu gọi các kỹ sư về ô tô ngày đêm nghiên cứu để tạo ra dòng xe riêng, với tinh thần "work for our country". Hỏng, làm lại. Xấu, làm lại. Mắc, làm lại... Ngày nay, hãng IKCO có đến 54000 công nhân viên với tài sản 32 tỷ đô, nằm trong bảng những nhà sản xuất xe lớn nhất thế giới. Xe của họ rất nặng, nhưng đi trên đường trường thì khỏi chê, đóng cửa kêu cái rầm nghe rất đã tai vì chất lượng thép tốt. Mặc dù bị cấm vận kinh tế nhưng đời sống của người Iran không mấy chật vật, vì ngoài dầu thô là tài nguyên thiên nhiên ra, họ còn nhiều lĩnh vực khác thu ngoại tệ. Người Iran vô cùng có đầu óc, mỗi cá nhân đều học như điên, làm hết mình, sẵn sàng hy sinh cái tôi cá nhân để lợi ích chung cho cộng đồng. Sự thành công ở các nước châu Á đều là do người dân chỉ ngủ có 5-6h/ngày, còn lại là ở công trường nhà máy công sở. Tinh thần ham thích sản xuất và say mê lao động chính là cốt lõi của sự thịnh vượng. Vì để sản xuất được, anh phải giỏi giang kỷ luật, có đầu óc tổ chức ghê lắm.

Tony đến Iran một lần chung với đoàn thương nhân Hồng Công, xúc tiến nhập khẩu hạt dẻ cười (một loại hạt) để bán cho thị trường Trung Quốc và xuất khẩu phân bón cho họ. Trên đường phố thủ đô, xe IKCO chiếm áp đảo. Anh bạn Aram, lúc đưa Tony đi ăn ở nhà hàng Hoa có tên là Gold Dragon trên phố Tooraj, có nói ở Tehran, có 3 hãng xe bán chạy nhất là Susuki của người Nhật, Peugeot của người Pháp và IKCO của người Iran. Với anh, và với bất cứ người Iran nào, nếu xe IKCO giá ngang bằng, tiện nghi chỉ 2/3 thì anh vẫn đi xe IKCO, because it's made by Iranian. Anh nói việc dùng hàng nội địa là trách nhiệm bắt buộc của mỗi công dân, "phải dùng" chứ không phải "nên dùng", dù không có quy định nào cả. Chính sự tự trọng với sản phẩm dân tộc mình sản xuất là chìa khoá thành công của các nước biết chế tạo xe hơi (số lượng các nước này chỉ đếm trên đầu ngón tay dù có hơn 200 quốc gia trên trái đất). Anh nói, người Iran chưa giàu bằng người Nhật người Pháp thì mỗi công dân Iran phải có nhiệm vụ làm cho người Iran giàu có lên. Thanh niên Iran vào buổi tối trước khi nhắm mắt ngủ, phải dành 15 phút chiêm nghiệm hôm nay mình đã làm được gì mới mẻ chưa, hay vẫn một ngày trôi qua chán òm như mọi ngày? Rồi buổi sáng thức dậy, vừa uống cà phê vừa suy nghĩ hôm nay phải làm gì để tốt hơn hôm qua. A better day than yesterday.

Khi mua hàng, họ hay hỏi người bán "cái này có hàng made in Iran không"? Vì với họ, mua một sản phẩm Iran sản xuất, một người Iran sẽ có việc làm, 1 đồng ngoại tệ sẽ ở lại, đồng tiền đó sẽ được tái đầu tư, sản phẩm sẽ càng tốt hơn, xuất khẩu lấy được 2 đồng về cho quê hương. Ở Iran, người học ngoại thương phải là học sinh giỏi nhất, học xong chuyên tâm vận dụng hết trí tuệ của mình bán hàng ra quốc tế. Họ thương thảo vô cùng giỏi, nên đến giờ, sau bao năm làm ăn với họ, cả trăm container hạt dẻ cười đã nhập cảng Qingdao, mà chưa có container phân bón nào Tony bán được cho họ. Thấy Tony buồn vì bị nhập siêu nên anh Aram an ủi, nói sẽ tặng Tony một chiếc Samand LX màu mận chín làm kỷ niệm. Nếu bữa nào bạn đến Cần Thơ (Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt đều có đường bay đến), bạn thử ghé quán cà phê Góc Phố dưới bến Ninh Kiều, bạn sẽ thấy một thanh niên cao 1m80, 90kg, ăn mặc áo choàng trắng trùm khăn trắng kín đầu, gương mặt thanh tú bước xuống xe Samand made in Iran để ăn trưa, thì đó chính là anh Aram qua Cần Thơ tặng xe cho Tony. Còn bạn ráng đợi thêm 15 phút nữa, một thanh niên "tầm cao 1m80, cân nặng 70 ký, thân hình hoàn toàn bình thường, rất hân hạnh được phục vụ quý khách" (bị nhiễm nói nhịu từ xe cân sức khoẻ ngoài phố) từ xe buýt bước xuống, thì chính là Tony Buổi Sáng. Gương mặt anh ấy đẹp quá đẹp nhưng thoáng buồn, vì nước Việt của anh có bao nhiêu kỹ sư mà hẻm ai chế tạo ra được chiếc xe hơi hay xe máy nào để anh có thể hất mặt lên trời với bạn bè quốc tế. Nên anh đành đi xe buýt hiệu Samco vậy, ít ra anh cũng có cái để nói đó là sản phẩm made in Vietnam. 

P/S: Samco là tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, đơn vị sản xuất ra xe buýt, xe khách lớn với chất lượng khá tốt.


https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.