1. Kể chuyện lịch sử. Thời đầu, Lê Lợi oanh liệt gây dựng giang sơn, nhưng thế hệ cuối kém cỏi dần, bị nhà Mạc tiếm ngôi. Nguyễn Kim là người có công trong việc khôi phục nhà Lê từ nhà Mạc. Sau khi Nguyễn Kim bị đầu độc chết, quyền bính rơi vào tay người con rể là Trịnh Kiểm (là chồng của Ngọc Bảo, con gái của Nguyễn Kim). Để củng cố quyền lực, Trịnh Kiểm cho giết Nguyễn Uông là con trai cả của Nguyễn Kim (anh vợ mình), và Nguyễn Hoàng (em vợ) hoảng sợ, nên tìm cách nhờ chị gái thủ thỉ chồng, xin cho đi trấn đất Thuận- Hoá (khu vực Quảng Bình Quảng Trị Thừa Thiên Huế ngày nay), là vùng đất lấy được từ Chăm Pa, dân cư thưa thớt hoang vu. Trịnh Kiểm nghe vợ nói cũng xuôi tai, "cho nó vào đấy, hàng năm nộp thuế ra cho mình, vẫn lợi". Người chỉ đường cho Nguyễn Hoàng vào nam là Nguyễn Bỉnh Khiêm, bậc đại trí đại tài của dân tộc, vì ông hiểu thiên cơ, muốn nước mình có hình chữ S như biểu tượng âm-dương, giống như 1 con rồng để bền vững muôn đời.


Nguyễn Hoàng sau này được gọi là Nguyễn Thái Tổ (ông tổ đời đầu của nhà Nguyễn). Là người thông thái hiểu biết, ông sống rất thọ, tới 89 tuổi (thời xưa 60 tuổi đã gọi là thọ). Ông đẩy mạnh phát triển ngoại thương với Hội An là thương cảng lớn nhất Đông Nam Á, và phát triển nông nghiệp để lúc nào cũng đủ ăn, dư dả lúa gạo để trao đổi với các nước. Ông dùng đạo đức để trị dân, Lê Quý Đôn nhận xét "Quân dân thân yêu tin phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc tấp nập, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng tự tu sửa bản thân mình, trong cõi đều an cư lạc nghiệp".


Vua Minh Mạng, vị vua tài giỏi anh minh bậc nhất của triều Nguyễn, luôn theo gương Nguyễn Thái Tổ. Ông luôn nói với mọi người, phàm muốn làm gì cũng phải chủ động, đừng để người khác kêu mới làm, thì mới gọi là người giỏi. Ông là vị vua đặc biệt yêu thích biển, quan tâm mở rộng lãnh hải với việc mở rộng và chính quy hoá lực lượng Hải Đội Hoàng Sa (một hình thức lực lượng biên phòng trên biển có từ các đời chúa Nguyễn đầu tiên), giúp Việt Nam khẳng định là nước đầu tiên cắm mốc và xác lập chủ quyền trên các đảo xa nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và được thương nhân các nước đi ngang qua công nhận, cống nạp "vì đã vào lãnh hải của Việt Nam". Dưới thời Minh Mạng, lãnh thổ của người Việt cũng là rộng lớn nhất so với các triều đại trước đó.


Tính chủ động, xông xáo là đặc trưng quý giá nhất để xác lập một nhân tài, theo Minh Mạng. Vì thế, ông rất trọng dụng Nguyễn Công Trứ, một thiên tài lắm tật và cá tính ngông cuồng kỳ lạ, nhưng rất được việc vì rất chủ động. Vượt lên mối quan hệ vua-thần, có thể nói đó là tình tri kỷ giữa hai người đàn ông có tầm vóc lớn của thời đại.


2. Vua Minh Mạng là con thứ 4 của vua Gia Long, lúc còn là Đông Cung Thái Tử, có lần buổi trưa ra hồ Tĩnh Tâm chơi, đang nằm trên võng ngắm mây trời thì bỗng dưng thấy xa có một ông già, tay cầm bình rượu, đội nón cỏ, cầm cây bút lông vẽ vẽ lên trời. Cứ vẽ đến đâu thì mây đen tan đến đó. Thái Tử kêu lại gần thì không phải ông già mà là một trang nam nhi thanh tú với nụ cười tựa trăng rằm, nhìn rất cảm mến. Hỏi chuyện thì chàng trai làu làu kinh sử, biện luận sắc sảo, Thái Tử giật mình tỉnh giấc, hoá ra là chỉ là một giấc mơ lộn xộn. Thái Tử vốn ít ngủ mơ, yêu cầu các quan giải mộng. Họ giải thích nón cỏ là chữ thảo trên, đầu tiên nhìn thấy tưởng ông già là chữ lão, trí tuệ vậy là chữ giả (có 1 nét của chữ lão xuyên qua chữ nhật ở dưới), ghép lại là chữ Trứ 著. Thái Tử cho ghi chép vào sổ, xem thử khoa thi sau có ai tên vậy không. Khoa thi sau, thấy đúng người tên Trứ đỗ giải nguyên, nhưng đã 41 tuổi. Khi gặp, nhìn vóc dáng trẻ hơn nhiều so với tuổi Thái Tử mới nhớ lại giấc mơ, hoá ra mộng và thực cũng có khi là một.


Nguyễn Công Trứ là người có trí thông minh siêu đỉnh, khi làm việc thì làm rất tốt, biết đời người chỉ là một giấc mộng, chết chẳng mang theo được gì nên rất coi rẻ lợi và danh, thường tổ chức vui chơi vào các buổi tối (sau một ngày làm việc tập trung cao độ và đạt hiệu suất cao, ông dành hết thời gian và tiền bạc cho gặp gỡ ăn uống ca hát với bằng hữu).


Trời đất cho ta một cái tài

Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.

Hẹn với lợi danh ba chén rượu,

Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ.


Lọt đến tai vua, Minh Mạng không quở trách mà cười nói rằng "thói cũ thằng cuồng vẫn hào phóng thế đấy". 41 tuổi, Nguyễn Công Trứ mới bắt đầu sự nghiệp, làm gì đều hoàn thành xuất sắc, từ trấn biên phía Bắc đến phía Nam, rồi khai hoang lập 2 huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình),.... Ông thăng chức giáng chức không biết bao nhiêu lần. Có lần ông bị giáng xuống làm lính canh ở Quảng Ngãi, vào chào quan tỉnh để đợi lệnh đi đồn nào, ông mặc cái áo cộc màu chàm. Quan Tổng đốc sở tại thấy tình cảnh một người từng là Thượng thư nay thất thế như vậy thì áy náy, cho phép ông cởi đồ lính ra. Nhưng ông nói: "Lúc làm tướng tôi không lấy làm vinh, nay làm lính tôi cũng không thấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào, có nghĩa vụ đối với địa vị ấy, làm lính mà không mặc đồ ấy thì sao gọi là lính được". Câu trả lời này khiến ai nấy đều kính phục.


Ngày về hưu, ngọc ngà châu báu vua ban ông cho hết người lạ, ông âm thầm về quê với một con bò vàng và một bầu rượu, hai ba bộ đồ. Ông nói đã xong một chữ công danh, trở về tay trắng như lúc bắt đầu, đã hoàn thành 2 câu thơ tâm niệm ông khi còn trẻ "đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông". Ngày ngày, ông cưỡi bò gắn lục lạc rong chơi, ghé thăm người này người kia, ngất ngưỡng xông xênh. Ông nói với bạn:


Tao ở nhà tao, tao nhớ mi

Nhớ mi nên phải bước chân đi

Không đi mi nói: sao không đến?

Đến thì mi nói: đến làm chi?


Năm 73 tuổi, ông cưới vợ. Cô dâu hỏi tuổi, ông nói "năm mươi năm trước, anh hai ba". Cô dâu không biết già vậy thì chuyện kia có ổn không, ông hát:


"già là già tóc già râu,

chứ còn chuyện ấy anh đâu có già".


Quê cha gốc Hà Tĩnh (lảng Uy Viễn, Nghi Xuân), khi ông về hưu cũng về làng cũ sinh sống, trong nhà luôn có bình rượu ngâm nhung hươu đãi khách, đặc sản Hà Tĩnh quê hương (bí mật vụ kia mạnh và thọ nằm ở đây nhen). Ông sống phóng khoáng yêu đời, giải thích mọi thứ theo hướng tích cực nên rất thọ, 81 tuổi mới mất (thời xưa 60 đã là thọ). Gần lúc mất, ông dặn mọi người là không liệm vào quan tài làm gì cho tốn kém, cứ để ông nằm trên cái chõng tre, đào hố sâu rồi thả xuống, lấp đất lại là xong. Không cần xây bia mộ, để trăm năm biến thành đất thành cát bụi, nhớ tau là nhớ thơ nhớ văn, nhớ tau trong lòng. Tau khi sống không cần nhà, chết không cần mộ, đất đai làm mộ lớn là lãng phí, để cho người dân trồng trọt.


Ông có một tình bạn tri kỷ với Nguyễn Quý Tân, nhỏ hơn ông tới 36 tuổi, tính cách cũng ngất ngưởng xông xênh phóng khoáng như nhau. Quý Tân vì mê ông nên xin đi theo cho kỳ được, tìm cớ để 2 người tình cờ gặp nhau hoài, đến nỗi Công Trứ chịu không nổi mà phải kết bạn. Rồi sau đó tâm đầu ý hợp mà trở thành tri kỷ tri âm. Cả hai đều sống theo triết lý "nhỏ tập trung học chăm chỉ không xao nhãng, học để mà làm, làm cho ra thành tựu, cho vẻ vang bản thân, thấy già rồi thì biết đủ, bỏ hết và rong chơi, hết cõi tạm thế gian".


**** Sách về giai thoại người tài xưa đã bị thất lạc nhiều, nhiều thông tin không có trên mạng cũng như không có trong sách trên thị trường, nhưng tui có. Ai thích sống phong lưu "thảnh thơi thơ túi rượu bầu" khi về già thì share- lưu lại trên tường để đọc miết mà nó vận vào, thành người phóng đạt mênh mông.


You are what you read.


**** Hình lăng Minh Mạng ở Huế, các bạn nhớ ghé coi kiến trúc. Siêu đẹp.


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.