1. Đêm chong đèn ngồi đếm tiền


Quản lý tài chính, nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực ra vô cùng đơn giản. Khi vào trường, người ta cố hàn lâm hoá nó lên (giống như thoả thuận hôn nhân giữa 2 người với nhờ 1 luật sư tư vấn vậy, một lúc là nóng não, muốn ly hôn luôn). Phần lớn người học tài chính hay kế toán bây giờ, không giống như xưa, không phải toàn bộ đều là học sinh giỏi toán và logic xuất sắc nhất, nên tốt nghiệp cho vui vậy thôi chứ doanh nghiệp phải đào tạo lại để có thể làm việc. Tài chính là sống còn của mỗi doanh nghiệp, tiền bạc cá nhân quản lý đã mệt thì huống hồ chi cho cả một tập thể, hàng ngày vào - ra đủ khoản. Giờ mình học quản lý TC nhen, quy mô nhỏ, chứ lớn tui cũng không hướng dẫn được vì không biết (xưa giờ tui làm quy mô cũng chỉ năm ba trăm tỏi đổ lại nên cỡ vài chục ngàn tỏi là không biết hướng dẫn, vui lòng đi hỏi người khác).

Như một chị bán phở đi, đơn giản, buổi tối, sau 1 ngày bán phở mệt nhọc, không ai nằm ngủ liền mà sẽ ngồi coi cộng trừ tiền bạc. Chi phí nồi phở là 3 tr thì để riêng ra, mai tiếp tục nhập nguyên liệu mà nấu nồi mới, số tiền còn lại đó gọi là lãi tạm tính trong ngày. Cuối tháng, chị phải ngồi tổng kết cả tháng rồi, lãi ngày tổng cộng bao nhiêu, rồi mới trừ chi phí trong tháng phát sinh (chi phí theo tháng ví dụ điện, nước, internet, lương người bưng phở, tiền giữ xe trật tự phường, bù chén bát bị bể....). Chị biết chính xác tiền lãi của mình mà có thể sửa cho rộng thêm, nhập thêm nồi phở to hơn, kê thêm vài cái bàn cái ghế, hoặc thậm chí mở thêm quán mới. Hoặc thấy không ổn, kinh tế khó khăn, người ta ăn phở ít đi thì thu hẹp quy mô lại, chờ thời.

Như trong bài ông Thoàn, một địa chủ ở quê ngày xưa, buổi tối, khi gia nhân ngủ khò hết, ông vẫn chong đèn với cái bàn tính gỗ ngồi cộng trừ nhân chia, ghi vào sổ vào sách. Mình làm quản lý hay làm chủ nhỏ, mà lười làm cái này thì coi như quản lý tài chính không được, chắc chắn thất bại. Mình nghĩ thôi ngủ, mai làm thì sáng mai thức dậy, sẽ quên, sót vài khoản. Chắc luôn. Chỉ trong ngày diễn ra thì mới nhớ chính xác.

Khi làm quản lý hay chủ nhỏ, phải nắm chính xác tình hình tài chính của mình. Khi doanh nghiệp lớn hơn, cũng phải nắm và hỏi liên tục kế toán, đọc báo cáo và phân tích dựa trên số liệu đó, giống như câu chuyện chị bán phở ở trên. Mở rộng hay thu hẹp quy mô, đều phải dựa trên tình hình tài chính. Siêng thì cuối tuần, lười thì cuối tháng, còn không có thì nên dẹp, khỏi làm.

Đơn giản vậy thôi, nhiều người nói sao đi nghe chuyên gia tư vấn, một lúc nóng não, bảng biểu lung tung thấy ớn, nhắm không làm được. Thì các bạn phải hiểu. Họ là chuyên gia, từ tháp ngà lý luận ra, hoặc từ các tập đoàn đa quốc gia ra, không có thực tế với quy mô nhỏ lẻ của mình. Cũng có những ông chủ nhỏ hoặc quản lý lười biếng, hỏi thăm tài chính thì nói không có, làm báo cáo tài chính lộn xộn, hỏi thì họ nói bận, hoặc làm mệt cả ngày cộng trừ gì nữa. Thì họ cũng chỉ dừng lại ở quy mô siêu nhỏ thôi, đâu có nắm được dòng tiền mà làm lớn được.

Giờ thì hát đi, đêm chong đèn ngồi đếm tiền, tờ năm chục một trăm....



Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.