Hạnh phúc đích thực ở đâu?


Hỏi 1 người dân tỉnh Trà Vinh bạn ngưỡng mộ ai nhất, thì hầu hết đều trả lời "Ông Nguyễn Thanh Mỹ". Từ cậu bé mồ côi cha phải đi kiếm sống bằng mọi nghề, khuân vác ngoài bến cảng, bán cà rem, bánh mì, bồi bàn, rửa bát,.....ông đã học tập và vươn lên, trở thành tiến sĩ khoa học năng lượng và vật liệu, sau đó vào đội ngũ lãnh đạo các tập đoàn như IBM, Kodak, Almaden research Center… Ông có hơn 60 bằng phát minh sáng chế vật liệu hóa học quang điện tử, trong đó xuất sắc nhất là bản in offset CTP nhiệt. Có quốc tịch nước ngoài và trở thành công dân toàn cầu, nhưng ông chỉ mong một ngày được trở về Trà Vinh, tạo lập công ty, xây trường học, bệnh viện. Ông nói: từ lúc nhỏ, tôi chỉ có một mơ ước khát khao đến cháy bỏng: trở về quê hương lập nhà máy, giúp cho người dân có cuộc sống tốt hơn. 


Ông đã lý giải hai chữ HẠNH PHÚC bằng hình ảnh 600 chàng trai cô gái Trà Vinh đang làm việc nơi đây. Trở về quê nhà lập nhà máy, vấp phải biết bao trở ngại, ông vẫn điềm tĩnh bước tới, tiếp tục đầu tư. Bởi hơn ai hết, ông hiểu sứ mệnh của mình. Đã hiểu thì không từ bỏ. 


Tuyển dụng và đào tạo


Ông thường tuyển những người còn…trong veo! Nghĩa là chưa biết gì! Học vấn, bằng cấp với ông không quan trọng, miễn là trong con người ấy, ông nhìn thấy sự năng động, dám sống, dám chịu thử thách, dám nghĩ khác, làm khác, sự trung thực và lòng biết ơn.


Điều đầu tiên ông dạy các em là…đi toa lét! Nhiều khách nước ngoài đến nhà ăn tập thể, cũng là nơi tiếp khách của ông, đã không khỏi ngạc nhiên bởi toa lét sạch như khách sạn 5 sao. Một chồng khăn trắng muốt được xếp ngay ngắn như những cánh hoa, mùi thơm thoảng thoảng tỏa ra, khu vực vệ sinh lúc nào cũng khô thoáng, sạch sẽ. Các em được dạy từ cách ngồi toa lét, lau sạch bàn rửa mặt mỗi khi bước ra. Không chỉ nơi tiếp khách, bất cứ chỗ nào trong nhà máy cũng sạch sẽ và thơm tho như thế.


Bài học đầu tiên vào công ty ông dạy nhân viên là bài học làm người. Ông dạy nhân viên từ cách ăn, cách nói, đến cách giao tiếp, cách phục vụ người khác trong từng bữa ăn, cách bài trí mỗi bàn làm việc. Bàn làm việc nào cũng có cây xanh và treo vài bức hình gia đình, để nhắc nhở tổ ấm quay về, để lấy làm động lực mà làm cật lực hơn nữa!


Ở đây nhân viên mỗi ngày được phục vụ miễn phí ba bữa ăn. Các nhóm phải luân phiên ngồi ăn với nhau, để giao tiếp và hiểu nhau hơn. Sau giờ làm, các em sẽ phải tập thể lực như chơi bóng chuyền, bóng đá, đánh cầu lông. Ông thường nói: “ Phải có những con người khỏe mạnh, tích cực, mới có thể nghĩ ra nhiều điều hay, làm giàu cho công ty và cho chính mình. Không vận động sau giờ làm là không được”.


Ở Mỹ Lan có đội "thợ hồ" riêng của công ty, ngoài sửa sang các cơ sở của nhà máy, lúc rảnh, họ đi xây nhà cho từng nhân viên. “ Mình phải lo cho nhân viên của mình trước chứ đâu cần ai lo dùm! Nhiều người hỏi tôi cần gì ở nhà nước? Tôi nói không cần gì cả, chỉ cần để yên cho doanh nghiệp làm. Tôi chọn một tỉnh cùng, tỉnh nghèo nhất, để hiểu người nông dân đang cần gì, giải quyết những bài toán của nông dân, cũng chính là giải quyết cái nghèo, cái khổ bao nhiêu năm đeo đuổi thân phận nhà nông. Theo tôi, không có việc gì khó, chỉ sợ mình không chịu làm thôi…”, Ông Mỹ nói. 


Thanh Trang, cô gái vừa tròn 30 tuổi, trợ lý kỹ thuật mà các bạn vẫn gọi đùa là “đại ca”, khi được hỏi em nghĩ gì về Mỹ Lan và về chú Mỹ? “ Em rất thích đi làm mỗi ngày, vì ở đây lúc nào cũng có những điều chưa biết để học hỏi. Mỗi ngày thức dậy điều đầu tiên em nghĩ đến là công ty. Chính nhờ chú, em đã có được niềm tin là mình có thể làm rất nhiều thứ mà trước đây chỉ nghĩ người nước ngoài mới có thể làm được. Chú không coi trọng bằng cấp, mà coi trọng sự nhiệt tình, ý chí mạnh, trách nhiệm. Ở đây có rất nhiều cơ hội, mọi người đều được trao cơ hội như nhau, không phân biệt bằng cấp tuổi tác giới tính hay xuất thân gì hết".


Trong 600 nhân viên công ty không ai hút thuốc, trong khuôn viên 20 ha của công ty, không có thùng rác nào vì chẳng có rác để bỏ. Tôi muốn, dần dần họ sẽ mang lối sống đó ra làng xã, đến khu vực mà họ sống - ông chia sẻ. "Những buổi chiều muộn tôi thường ngồi nhìn dòng sông, không suy nghĩ gì, cho cái đầu trống rỗng, bình an ngay nơi tôi sinh ra lớn lên và đi khắp địa cầu, nay tôi lại trở về sống đời ý nghĩa. 


Tôi hạnh phúc khi được sống trên mảnh đất quê hương, giúp người dân quê hương tôi. Sắp tới tôi sẽ IPO 3 doanh nghiệp khởi nghiệp mới, trụ sở cũng đặt tại mảnh đất Trà Vinh này. Đôi khi tôi phải đặt lại câu hỏi tại sao mình làm vậy? Tôi không để lại cơ nghiệp cho con mình, các cháu có cơ nghiệp ở nước ngoài riêng hết rồi, kêu các cháu cũng không về. Tôi có một đội ngũ người kế nghiệp. Nhân viên tôi có nhiều em giỏi lắm, đạo đức rất tốt, trung thực tuyệt đối, ở bên tôi nhiều hơn cha mẹ, họ hiểu mình nhiều hơn con cái mình…”. Ông cũng là người thành lập khoa Hoá học ứng dụng và làm trưởng khoa ở ĐH Trà Vinh, trung tâm khoa học quê hương ông. 


Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, nếu các bạn cần 1 tấm gương người Việt để học tập, thì đây. Ngẫm bản thân mình và hành động. Đại đa số chỉ là ước muốn hay nói câu chót lưỡi đầu môi cho vui, đâu có ý nghĩa gì. Nhân vật Santiago trong tác phẩm Nhà Giả Kim, anh đi khắp nơi để truy tìm kho báu, ai dè kho báu đích thực lại nằm ngay ở gốc dâu nhà cũ, nơi tuổi thơ anh nằm ngủ khi chăn cừu. 


Quê hương, không phải là bài hát khóc lóc nhớ thương, mà là nơi để trở về. Mình về để thay đổi cuộc sống của người nghèo khó, những người có cùng âm giọng và văn hoá với mình, giúp họ có cuộc sống bằng mình hoặc hơn. Khi đó, mình sẽ hạnh phúc. 


-----------------------------------------------------------


*******Bài viết tổng hợp từ nhiều bài báo khác nhau, xin cám ơn các bạn đã chia sẻ.


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.