Tốt nghiệp cấp 3 xong, mình đi thi đại hạc để quyết tâm làm giàu. Hồi đó, bộ đề nó riêng. Phải khảo sát được hàm số, tích phân, tìm 3 lọ hoá chất bị mất nhãn (năm nào mấy người giữ phòng thí nghiệm cũng làm mất), rồi ô mê ga tê cộng phi thì mới đậu (nhưng giờ hem biết mấy cái đó để làm gì, từ năm lớp 10 đã chăm chăm ngồi tính cái đó từ 5h sáng đến 11h đêm). Thầy cấp 3 dặn là khó mình thì khó người ta, dễ mình dễ người, đừng cho ai coi bài. Phòng thi thì toàn mượn của mấy trường phổ thông, có bạn phải thi bên tiểu học, bàn ghế thiết kế cho các bé nhi đồng, có vài thí sinh cao trên 1m80 ngồi 3 buổi thi xong về phải ghé BV chấn thương chỉnh hình để chỉnh cột sống. 

Hồi đó có cái thằng mặt sáng nhưng hạc ngu, tên y chang. Giám thị quánh số báo danh hướng đông tây nam bắc chi thì nó cũng ngồi cạnh. Nó cho mình cục kẹo chanh rồi xin coi bài, mình nói ngu gì mậy, cho coi rồi mày đậu tao rớt sao. Nó nói tao đi thi cho vui vì vài bữa nữa má tao bán nhà đi Mỹ định cư luôn rồi. Cái mình hỏi nó chứ nhà mày có vòi sen hem, nếu có thì chút nữa cho tao về tắm thì tao cho coi. Nó nói được được nên mình tháo bàn tay trái đang che bài ra cho nó cọp py liền. Bởi cái tật ham tắm vòi sen nên thằng này cũng đậu điểm cũng ngang ngửa với mình, vô hạc được đâu 1 hạc kỳ thì đi Mỹ thiệt. Chứ nó mà hạc luôn thì tới năm 2 thế nào cũng tổ chức chặn đường quánh đập kiểu bạo lực hạc đường. (P/S: Xuống tone: bạn ơi, giờ mình mất liên lạc với bạn rồi, mình có qua Mỹ mấy lần, nhưng hẻm thấy bạn. Nếu bạn có đọc bài này thì nhắn tin nha). 

Vừa vào lớp 13, mình thấy choáng trước các hạc hòm (tức học hàm) và hạc vị của các thầy cô, thấy ai cũng ra giáo trình có các ký hiệu PGS, GS, TS, PTS, ThS phía trước tên riêng. Năm đầu thì in tên họ luôn, tưởng họ viết, ai dè là biên soạn, biên dịch. Do yếu tố khách quan, phần lớn được đào tạo ở Đông Âu và Liên Xô với cách phân loại hạc vị khác. Về nước, với tấm bằng phó tiến sĩ (nghe nói học lâu hơn thạc sĩ nhưng chưa tới mức của tiến sĩ), bỗng dưng ngủ 1 đêm thức dậy trở thành tiến sĩ với chương trình hợp pháp hóa tiến sĩ theo nhu cầu đổi mới, vì liên kết với Anh, Pháp, Úc, Mỹ,... phó tiến sĩ không có cấp tương đương để trao đổi hạc thuật, nên từ đó nước ta tuyệt nhiên không còn phó tiến sĩ nữa. Vì chương trình ngành kinh tế nó lạ nên nhiều thầy cô phải hạc thêm tiếng Anh mới có thể nắm bắt và đọc được các giáo trình bên kia gửi về. Nhiều thầy cô trở thành các cây đa cây đề, được nhiều sinh viên tôn trọng và yêu mến. Một số khác đuối quá nên thôi phân công gì giảng đấy chờ lúc về hưu, nhiều vấn đề cũng không rành nên nếu bị sinh viên chất vấn ngược sẽ dùng quyền lực "cả vú lấp miệng em" trả lời, khiến sinh viên hết sức sợ hãi. Có lần mình giơ tay thắc mắc vấn đề trong kinh tế vĩ mô, cô giáo nghiêm giọng nói “em sinh trước cô hay cô sinh trước em?”. Mình hết hồn liền nói “dạ em sinh năm 1974, còn cô thì em hẻm biết. Nhưng em xin lỗi và xin rút lại câu hỏi”. Cô hài lòng liền, cười toe toét. Mình ngồi xuống và thấy hú hồn, trưởng thành, lần sau không dám hỏi nữa, họ nói gì kệ. Thắc mắc thì về tìm sách mà đọc. 

Lên trường nghe thông báo nghỉ do bữa đó cô bịnh là đứa nào đứa nấy mừng hết lớn, liền tổ chức đi câu cá. Dù giáo trình khá tiên tiến, dịch ra từ giáo trình phương Tây cả nhưng sinh viên vào ngồi chờ thầy đến, đọc gì chép đấy, thi hạc thuộc lòng và trả lời y chang. Các thầy cô trở thành các phát thanh viên với những giọng đọc truyền cảm và các sinh viên là các tay chép chuyên nghiệp. Như mình nè, vô lớp hào hứng được 15 phút là gục ngã xuống bàn và ngáy vang như sấm, giảng đường là các miên trường khổng lồ với những lời thỏ thẻ qua micro ru ngủ ngon giấc hàng ngàn sinh viên bao thế hệ...

Rùi ngủ mãi cũng có ngày bạn đập dậy, dậy đi, tới ngày tốt nghiệp rồi. Chu cha mừng húm. Nói ủa tốt nghiệp rồi hả mậy. Thiệt hem? Mình nằm trong danh sách được bảo vệ luận văn cử nhân, thường là các công trình sao chép công phu từ khoa này sang khoa khác, khóa này sang khóa khác, nên giờ thú thật không nhớ đề tài mình viết về cái gì nữa. Ngày ra trường, xúng xính áo quần, đứng cho ông thầy cầm cái dây lòng thòng trên mũ hất từ bên trái sang bên phải, thế là thành cử nhân. Sau khi xuống sân khấu, đứa nào đứa nấy đứng ẹo qua ẹo lại trước cổng trường để chụp hình. Chỉ thiếu bãi cỏ để nằm xuống. Hồi đó chưa có vụ liệng cái mũ lên trời rồi ngước lên cho người khác chụp.

Ông cử bà cử vừa vui vẻ hỉ hả xong phải đối mặt với thách thức đầu tiên: tìm việc. Mình suốt ngày lên báo đọc coi có ai tuyển dụng thì lật đật mang hồ sơ đến. Nhưng nộp cả chục cái mà hẻm có ai gọi, sau này mới biết là vì viết thư xin việc mà giống nhau như đúc vì thói quen sao chép. Phỏng vấn thì ‘oh sorry I am so shy’, nghẹn ngào nói không nên lời. Cuối cùng, sau 1 đêm uống mấy ly café bị thức trắng, bèn sáng tạo chèn bông hồng ngay vào chỗ ‘To whom it may concern” - do mới học kỹ năng insert trong winword. Nhà tuyển dụng vừa thấy là gọi điện thoại mời phỏng vấn ngay. Chị nhân sự nói lúc nhận hồ sơ của em, cả công ty từ giám đốc đến lao công hết sức phấn khởi vì nói thằng này biết chèn bông hồng trong đơn xin việc, chắc là nhân tài đây. Nhưng vô được mấy bữa thì mới ôi thôi, năng lực không có, có mỗi cái bằng. Lại cứ nghĩ cỏ ở đồi khác xanh hơn nên nhấp nhỏm nhảy việc. Ông giám đốc biết nên đuổi luôn cho nhanh. Mình thất nghiệp hẻm biết làm gì nên đăng ký thạc sĩ, hệ chính quy nhưng lại học ban đêm, trường nào cũng mở vào ban đêm để ban ngày hạc viên tranh thủ đi làm. Kiểu thạc sĩ ban đêm như thế, thế giới nghe khóc thét. Bắt chước mình, mấy đứa bạn sang Úc du học cũng mò lên trường đòi học ban đêm để ban ngày đi làm nail hoặc cắt cỏ kiếm thêm tiền, cả trường tròn mắt nhìn tưởng tụi nó có vấn đề gì đó về "mental". Hí hí. 

Lên cao hạc, tưởng gì khác, cũng luyện chính tả đến mỏi tay, trừ vài ba thầy ở nước ngoài về dạy hấp dẫn tí, còn lại các thầy cô già già phát âm các khái niệm bằng tiếng Anh nghe cười xỉu. Bạn hạc của mình, 1/3 học viên là thất nghiệp không biết làm gì; 1/3 là sự o ép của gia đình, toàn ông cha bà mẹ nói tao hạc ít mày hạc được thì “tới luôn bác tài”, tao nuôi; 1/3 còn lại là muốn có bằng cấp để làm cái gì đó, cũng có người đam mê khoa học nhưng ít coi như con số ép xi lông, không đáng kể. Lớp chia 2-3 phe, để không trượt trong các kỳ thi, các phe tận dụng tối đa thế mạnh của mình. Ông thầy hướng dẫn của mình suốt ngày thích hớt tóc ráy tai, nên nhóm mình 3 đứa phải thay phiên đưa ổng đi ráy tai. Đi riết rồi lúc mình đưa đề tài nói thầy ơi em làm đề tài này được không, ổng chửi quá trời. Đề tài định làm là “Kinh doanh hớt tóc ráy tai trên địa bàn quận, thực trạng và giải pháp”. Thì suốt ngày vô đó mà, có biết cái gì khác mô?

Nhớ có ông thầy buồn cười không chịu được. Thi xong là ổng gọi lớp trưởng ghé nhà ổng, đưa bảng điểm cho coi, toàn 1-2 điểm. Thằng lớp trưởng hớt hải về báo cáo, mày rớt, mày rớt, rồi cả lớp xôn xao, tối nào cũng đông nghẹt hạc viên ghé nhà. Rồi bảng điểm thật xuất hiện, đứa nào cũng 9-10, trừ mình được 5 điểm vì lười không ghé. Nhưng ổng cũng không đánh rớt, vì có 1-2 đứa, tổ chức hội đồng thi lại mắc công. Tối nào lẽ ra 9h mới hạc xong nhưng 8h ổng cho tan lớp, ổng rủ mấy anh trong lớp bữa đi nhậu, bữa đi nghe ca cổ, bữa đi mát xa. Nhìn cảnh thầy trò tồng ngồng trần truồng (me too) nhảy vào bể Jacuzzi nói chuyện trường chuyện lớp mà thấy vô cùng dễ thương. 

Rồi tới ngày tốt nghiệp, ai ai cũng tìm ra được 1 đề tài để viết. Luận ven thạc sĩ của mình bị hội đồng phản biện mổ xẻ có tới 14 điểm yếu, chỉ có 3 điểm mạnh là font chữ nhìn dễ đọc, có lò xo bìa vàng xinh xắn và hạc viên có ngoại hình. Hôm gặp 1 chị kia, trước là cán bộ giữ thư viện, giờ bỗng dưng trở thành thạc sĩ y khoa. Chị tươi cười bảo, đề tài luận ven của chị là "Thống kê tình hình mắc bệnh ỉa chảy của dân cư vùng Đồng Tháp Mười từ năm 2000-2005, tầm nhìn 2020". Mình hỏi thế chị là thạc sĩ toán học thống kê? Chị chặc lưỡi, thống kê là thống kê thế nào, thạc sĩ y khoa hẳn hoi nhá. Các thầy trong trường trong viện cả, lên đây mượn sách quen chị hết. Mấy thầy thương chị ngần ấy năm lặn ngụp trong việc phân loại sắp xếp đống tri thức ngồn ngồn kia, lại sắp về hiu rồi, có hạc hòm hạc vị thì lương hưu cao 1 chút, nên KQ toàn là chín phẩy năm, chín phẩy năm và chín phầy năm (dấu ấn game show SV 96).

Chị còn nói thêm, em biết chị Lan phòng tài vụ hem, thạc sĩ tài chính rồi đó. Đề tài là “Cách phân biệt tiền giả tiền thật khi sinh viên đóng tiền hạc phí”, đề tài dày lắm mấy trăm trang, chị ấy những 30 năm ngồi đếm tiền cơ mà, kinh nghiệm cứ thế mà viết ra, tuôn trào dào dạt. Em biết chú Tư bảo vệ hem, chú ấy vừa bảo vệ luận ven cử nhân với đề tài “Phương pháp sắp xếp xe đạp và xe gắn máy gửi trong trường Đại hạc X theo mô hình hồi quy đa biến”. Chị Bảy lao công thì đang ven bằng 2 bên trường đại hạc tư thục thể dục thể thao Phạm Văn Mách Bảo. Xong chị sẽ liên thông qua thạc sĩ thể dục dụng cụ rồi tiến sĩ wushu luôn, giờ bỏ công bố bài báo quốc tế là tiến sĩ ào ào, em mà thấy chị ấy cầm chổi quét, ối giời ơi đẹp lắm, Thúy Hiền phải xách dép chạy theo gọi mợ Bảy…

2013.

https://www.facebook.com/TonyBuoiSang


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.