Nếu không có thể lực để ứng dụng, thì kiến thức tích luỹ thông qua học hành xưa nay là vô nghĩa. 

Tương tự, rất nhiều bạn có ngoại ngữ, kỹ năng, logic, chuyên môn rất tốt nhưng ra đời làm việc không hiệu quả là do thể lực yếu. Một nền giáo dục từ lớp 1 đã bắt đầu đi học thêm và chỉ chú tâm vào chữ nghĩa sẽ khiến nhiều trẻ em không có cơ hội phát triển thể lực, vốn trời đất chỉ cho con người trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời. Từ năm 20 tuổi trở đi, muốn cao ráo sẽ rất khó, vì đã qua giai đoạn vàng. Một người muốn cao, ngoài ăn uống, cần vận động nhiều ở giai đoạn dưới 18 tuổi, đặc biệt là lúc cấp 3. 

Từ 15 tuổi đến 18 tuổi, cơ thể con người có sự biến đổi mạnh mẽ, gọi là dậy thì, thời kỳ phát triển thể chất để tạo bộ khung của một người trưởng thành về sau. Giáo dục phổ thông ở các nước chỉ đào tạo học chữ một buổi, buổi còn lại tập thể dục thể thao, kỹ năng sống…Nếu bạn đến sân trường các trường cấp 3 ở các nước, các bạn sẽ thấy các nam sinh nữ sinh đang đánh bóng rổ, hoặc bơi lội, hoặc may vá nấu ăn cắm hoa khiêu vũ, trồng cây làm vườn…. Trông ai cũng cao to khỏe mạnh, hồng hào, vui vẻ.

Có 3 nước còn theo văn hoá khoa bảng là Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam. Tuổi hoa niên ở 3 nước này trôi qua trong áp lực học chữ và học chữ dưới sức ép của phụ huynh để hơn bạn bè, để có thể vào trường tốt, hòng có một việc làm tốt về sau. HỌC ĐỂ THI là triết lý giáo dục của nền văn hóa khoa bảng. Từ lớp 9, bọn trẻ đã phải thức dậy từ 5 sáng và đi ngủ lúc 12h đêm chỉ để giải đề và học thêm ở các lò luyện. Vừa vào lớp 10, một cuộc chạy đua khác diễn ra trong 3 năm ròng rã để vào ĐH, các bạn trẻ tiếp tục gồng mình “hiếu học” cho phụ huynh, mắt cận, người teo tóp, lờ đờ…vì thiếu ngủ, thiếu vận động, còn việc nhà thì cha mẹ làm thay. Vì có kỳ thi đầu vào ĐH, nên học sinh phải “giải đề” liên tục. Khác với mọi nước khác là chỉ XÉT TUYỂN dựa trên điểm SAT và bài tự luận của học sinh, trường tinh hoa thì lựa thêm các tiêu chuẩn khác như công tác xã hội, các năng khiếu đặc biệt, những đóng góp cho cộng đồng, những phát minh thành tựu, năng lực thẩm mỹ và cá tính…của học sinh. 

Ám ảnh tuổi học trò ở 3 nước này chưa bao giờ chấm dứt do “hiếu học” đã hiểu nhầm thành “hiếu bằng cấp”. Trong khi học là để làm người, học là để làm việc, học để chung sống với nhau theo triết lý giáo dục của Unesco. 

Học hành là việc cả đời, là sự tự lĩnh hội và chuyển biến trong nhận thức theo hướng chân hơn, thiện hơn, mỹ hơn. Dưới áp lực THI CỬ của văn hoá KHOA BẢNG, nhiều bạn trẻ 3 nước trên đã chọn một lối rẽ khác, học phổ thông nhẹ nhàng, bình thường, không quan tâm đến việc xếp loại, âm thầm học SAT và tiếng Anh để thi tú tài quốc tế, vốn dễ dàng hơn nhiều, rồi kiếm học bổng du học, hoặc các ĐH dân lập, các cao đẳng nghề trong nước nếu không đi du học được.

Là công dân toàn cầu, ngoài trí tuệ và kỹ năng, trải nghiệm và ngoại ngữ còn phải có thể chất, ngoại hình tốt. Quan niệm “đầu óc ngu si tứ chi phát triển” là một quan niệm cực kỳ sai lầm của một số nước châu Á khi cha mẹ hướng con cái vô việc không vận động, chỉ ham ôm sách vở nên mặt mũi méo mó, mắt cận cả chục độ, gầy liêu xiêu…để thành trí thức. Nhận xét “anh đó trông trí thức lắm” thì phải là hình ảnh như vậy, chứ không thể là cao to khỏe mạnh, đầy năng lượng…vì sẽ quy vào là dân “quần đùi áo số”, ít chữ. Trí thức kiểu này thì sẽ không có năng lượng để làm việc, đóng góp cho đời…vì không chịu được cường độ làm việc cao trong hội nhập quốc tế.

Mong phụ huynh VN cho con bớt học chữ, giải đề, luyện thi. Và Bộ Giáo Dục cũng nên có 1 chương trình mạnh mẽ hơn trong tăng cường các môn học thể chất trong nhà trường. Chúng ta nên cân đối việc học chữ với vận động, vui chơi, các kỹ năng sống khác. Đừng như thế hệ 7x và 8x, cả cuộc đời, cứ bị stress là nằm mơ thấy “ngày mai đi thi”.

Năng lực “giải quyết vấn đề” mới là cái cần nhất, chứ không phải năng lực “giải đề”. Từ khi 12 thành phố ở TQ áp dụng tính điểm môn thể chất vào các trường cấp 3, chỉ sau 6 năm áp dụng, trẻ con ở 12 thành phố này đã giảm béo phì xuống gấp 10 lần so với mức trung bình chung toàn quốc, chiều cao cũng hơn hẳn 2cm, tỷ lệ cận thị trong học sinh bằng 30% so với các tỉnh thành khác. Các ĐH cần thể lực để có thể làm việc tốt như ĐH Y Khoa, ĐH Xây Dựng, ĐH Kiến Trúc, ĐH Bách Khoa, ĐH Nông Nghiệp, ĐH Ngoại Giao....ở TQ đã bắt đầu tính điểm môn thể chất sau kết quả Cao Khảo (gaokao), nhưng họ cho tự chọn, ví dụ hít đất, hít xa, nhảy cao, nhảy xa, nhảy dây, chạy 100m đến 10km, nhảy thể dục nhịp điệu, bơi, bóng bàn, bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền, múa,...bên cạnh chiều cao, cân nặng. Ví dụ ĐH Ngoại Ngữ Ngoại Thương Quảng Đông, họ đưa chỉ tiêu thể chất ngang bằng với chỉ tiêu điểm Cao Khảo, và khiến học sinh muốn vào trường này, từ năm lớp 6 đã phải rèn luyện thể lực tuyệt hảo. Và kết quả, sinh viên tốt nghiệp trường này được các tập đoàn đến đặt hàng từ năm 1. Toàn những bạn cao to cân đối và làm việc không mệt mỏi. Những tập đoàn đa quốc gia làm việc sáng đêm ở Thâm Quyến, đa phần là sinh viên tốt nghiệp từ ngôi trường này. 

Việc đào tạo 1 người không có thể lực tốt, ra thị trường lao động không chấp nhận, thì chỉ phí thời gian và công sức của cả hai. 

Trung Quốc dự kiến sẽ xem xét việc đưa điểm thi môn giáo dục thể chất ở mức độ tương đương với các môn tiếng Trung, Toán và tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh THPT.

Người đứng đầu cục giáo dục nghệ thuật, sức khỏe, thể chất Bộ Giáo dục Trung Quốc Wang Dengfeng cho biết Vân Nam là đơn vị cấp tỉnh duy nhất tại Trung Quốc yêu cầu môn giáo dục thể chất có cùng trọng số như các môn học thuật khác trong kỳ thi tuyển sinh THPT.


Học sinh trường THPT Jingdian, tỉnh Hà Bắc, tham gia tiết học về bóng đá.

Theo ông Wang, các khu vực khác nên dần dần nâng cao trọng số của môn giáo dục thể chất tương đương với các môn học thuật khác. Ông Wang cũng cho rằng Trung Quốc nên bắt đầu xem xét đưa giáo dục thể chất vào kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia gaokao.

Ông Wang cho rằng từ nay tới năm 2022, tất cả khu vực cấp tỉnh tại Trung Quốc nên dần dần đưa bài thi kiểm tra năng lực thể chất của học sinh vào kỳ thi tuyển sinh THPT. Hiện 12 thành phố thuộc 6 khu vực cấp tỉnh tại Trung Quốc đã thực hiện công tác này.

Trung Quốc mới đây đã ban hành 2 hướng dẫn về phát triển giáo dục thể chất và mỹ học tại trường học trong kỷ nguyên mới. Những hướng dẫn này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách chương trình giáo dục thể chất và mỹ học, xây dựng thêm cơ sở vật chất cũng như cải tiến khung chương trình.

Các hướng dẫn yêu cầu các trường tiểu học, trung học cơ sở dạy một tiết giáo dục thể chất/ngày và chú trọng tới việc giáo dục mỹ học, bao gồm các lớp nghệ thuật như âm nhạc, vẽ, nhảy, diễn kịch, thư pháp…

Các bậc học này cũng được yêu cầu đào tạo học sinh thành thạo 2 kỹ năng thể thao cơ bản như chạy, nhảy và cho học sinh tham gia các bộ môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bơi và thể thao mùa đông. Học sinh cũng được khuyến khích học thành thạo 2 kỹ năng về nghệ thuật.

Sinh viên đại học được yêu cầu học đủ tín chỉ môn giáo dục thể chất và mỹ học để được tốt nghiệp. Sinh viên sau đại học, hiện không bắt buộc học giáo dục thể chất và mỹ học, cũng được khuyến khích tham gia các lớp học này.

Chủ tịch Đại học Thể thao Thượng Hải Chen Peijie cho rằng việc yêu cầu điểm thi giáo dục thể chất trong kỳ thi tuyển sinh THPT sẽ góp phần cải thiện sức khỏe thể chất của học sinh.

Tuy nhiên, quy định mới này đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trên các mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người dùng mạng cho rằng liệu việc yêu cầu điểm thi có phải cách làm đúng để đẩy mạnh giáo dục thể chất. Nhiều người cho rằng Trung Quốc hiện thiếu nhiều giáo viên nghệ thuật cả về số lượng lẫn chất lượng.

“Giáo dục mỹ học không phải chỉ để dạy học sinh cách vẽ, hát hay nhảy mà còn về khả năng cảm thụ và trân trọng vẻ đẹp nghệ thuật. Điều này rất quan trọng với sức khỏe tâm lý của học sinh”, một ý kiến cho hay.

Người này cho rằng mấu chốt của việc phát triển giáo dục mỹ học là phải đào tạo thêm nhiều giáo viên bộ môn này.

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/trung-quoc-de-xuat-dua-giao-duc-the-chat-vao-ky-thi-tuyen-sinh-thpt-20201019123658670.htm

https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.