Năm 2010, cậu sinh viên năm 3 của ĐH Hà Nội đi Sapa chơi với lớp. Mấy ngày ở đây, cậu thấy du lịch rất phát triển nhưng vẫn có khe hở thị trường. Những đặc sản địa phương phù hợp với khách Việt nhưng với khách Tây bình dân, chỉ 2 ngày ăn "đặc sản" là họ "lòi họng", cứ vào quán đứng nhìn rồi lại đi ra. Họ lớn lên từ văn hoá khác, họ chỉ có thể ăn nhiều và liên tục được những món thịt mềm không xương (họ không ăn được cá gà vịt chặt để xương luôn trong dĩa vì không có năng lực khéo léo như người mình). Họ cũng thích ăn thịt mềm chứ không có thích gà dai vịt dai cá dai bò dai như ta. Nói chung là Tây không thích "dai". 

Về lại Hà Nội, bạn ngồi nghĩ mãi, tìm hiểu mãi, cứ thấy những đề tài liên quan đến lĩnh vực này thì bạn in ra, bỏ vô ba lô, thành 1 file hồ sơ dày có ghi 2 chữ "bí mật". Tốt nghiệp ĐH, với trình tiếng Anh và tiếng Trung xuất sắc, bạn dễ dàng thi đỗ vào làm cho 1 tập đoàn du lịch lớn, nhưng với bạn, "thi cho biết năng lực của mình tới đâu", bạn từ chối nhận việc và khăn gói đi Sapa. Bạn bè bảo "thằng này điên, thủ đô không làm lại đi đâu, đi xa thế thì phát triển thế nào được, ở thủ đô gần nhiều người khôn, sẽ học được nhiều. Và tiện lợi nữa, còn con còn cái sau này học hành". Nhưng bạn thì nghĩ khác "ở nơi đất chật người khôn, ai cho mình cơ hội? Ở Sài Gòn Hà Nội, người đông như kiến, người ta đến đấy sống là vì cơ hội kiếm tiền chứ ở đấy, ai chỉ đường cho ai làm ăn? Tranh giành từng mét đường đểchạy xe, từng khách hàng để kinh doanh, lấy trí khôn trí khéo "tích luỹ ba đời nhà tôi" để nhằm giành cái lợi. Thế hệ sau khó mà còn chỗ chen chân, chỉ là chôn vùi thanh xuân ở đấy. Cứ ngỡ là vui, là sướng, là an toàn với các tiện nghi đô thành, thực chất là lãng phí thời gian. Vô tập đoàn nào đó làm thì cũng chỉ biết được 1 góc nhỏ của nó, chứ đâu có ai cho cơ hội mà nắm hết mọi ngóc ngách khởi sự làm ăn? Sài Gòn Hà Nội là nơi xin việc dễ dàng với mức lương dăm bảy triệu, còn cơ hội làm chủ lớn lao dọc ngang tung hoành cho người trẻ thì rất hiếm". Nghĩ vậy nên bạn khăn gói ra ga tàu đi Sapa, đến một nơi không bạn bè, không thân thích, không gì cả. Nhưng có sao. Đàn ông con trai mà, phải đi đến nơi xa xôi hẻo lánh tìm cơ hội, làm trùm ở đó. Bạn bảo "em thích thế!". 



Bạn bắt đầu từ việc làm nhân viên phòng kinh doanh cho một khách sạn nhỏ, rồi đổi job sang khách sạn lớn hơn. Sau 1 năm, bạn được cân nhắc lên làm trưởng phòng lễ tân và bắt đầu có nhiều quan hệ với người địa phương lẫn khách du lịch sang trọng tới tìm cơ hội đầu tư. Tích luỹ được ít vốn, hùn với một người Tây, bạn thuê mặt bằng mở quán cà phê bán Arabica ở Sapa cho khách sành điệu, và giao cho cậu Tây quản lý, bạn đi nuôi vịt. 

Thuê đất ở một huyện nhỏ cách Sapa 30km, bạn nuôi giống vịt lai con rất to chứ không phải vịt cỏ địa phương, "ôi con đấy nuôi làm giề, xương nhiều bỏ mẹ" (bạn nói). Ban đầu lúng túng, sáng mở cửa chuồng thì thấy: "10 thằng chết 7 còn 3, chết 2 còn 1 mới ra thái bình". Nhưng bạn chỉ tiếc chút xíu rồi hết, xem đó là học phí. "Mấy đứa nhát gan, yêu tiền vô bờ, không dám làm gì là vì không tự tin vào năng lực, nghĩ mình không có tài nên sợ mất đấy thôi. Làm ăn mà sợ mất thì làm ăn cái dell thế nào được" (bạn bắt đầu văng tục). Nhiều người hỏi "đầu ra ở đâu, chán chẳng buồn trả lời. "Đầu ra" thì từ trong "đầu" mà "ra", tiếng Việt ghi nghĩa rất rõ như thế rồi, sao lại hỏi 1 câu ngớ ngẩn vậy nhỉ? 

3 tháng sau, bạn thu hoạch mẻ vịt đầu tiên, bạn bóc tách phần ức và phần đùi để chào vô các nhà hàng khách sạn cho người nước ngoài, phần xương thì bán cho khách VN nấu xáo nấu miến, Tây mê, nói thịt mềm ngon, dễ ăn. Có kinh nghiệm, bạn tăng đàn. Nhưng vịt nó ị nhiều lắm, phân nhiều và hôi, bạn được người dân bày cách nuôi cá nước ngọt để tận dụng chất thải của vịt. Rồi sau đó bạn nuôi gà, bạn nuôi loại con to, thịt nhiều, sau đó thì xem cách chế biến trên mạng để làm đúng như thế, mổ và rửa bằng clorin sạch sẽ, đóng gói vô trùng, hút chân không và trữ đông đúng nhiệt độ. Hai năm, bùng nổ du khách ở Sapa, bạn đủ tiền mua được 1 trang trại lớn để trồng lê, mận tam hoa, nuôi cá nước ngọt, vịt, gà, lợn đen, trâu bò gì của người đồng bào ai bán là bạn mua về nuôi hết. Bạn cung cấp cho Sapa và thị trường Hà Nội, Hải Phòng, và bán vào miền Nam. Cứ thế mà tiền chạy vào túi ầm ĩ.



Năm 2015, một công ty du lịch nhỏ của người nước ngoài sang nhượng cổ phần, bạn mua và đồng sở hữu công ty này. Họp và triển khai nhiều biện pháp, công ty phát triển vượt bậc. Bạn và team đi khảo sát và xây được các khách sạn 2-3 sao ở Sapa, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Cần Thơ....Riêng cá nhân bạn thì "muốn mua biệt thự ở đâu thì mua, con cái bạn muốn học trường liên hiệp quốc ở Hà Nội hay Mỹ hay châu Âu gì cũng đủ tiền học cả". Bạn lập gia đình. Sống hạnh phúc. Sau 10 năm còng lưng hốt cứt vịt cứt gà, bây giờ chồng chiếc bán tải, vợ chiếc Mẹc si đì, lái vi vu trên những cung đường Tây Bắc mỗi chiều nắng đẹp, thấy đâu sơn thuỷ hữu tình thì dừng lại ún cà phê. 

Du lịch hai năm nay gặp khó, công ty bạn vẫn sống khoẻ vì đã có trang trại và nhà xưởng chế biến nông sản, chỉ riêng cung cấp cho thị trường nội địa cũng đủ duy trì doanh nghiệp. Nói thỉnh thoảng vẫn văng tục, nhưng khi đối ẩm bên ly rượu thì bạn vẫn đàn ca sáo nhị như một kẻ phong lưu. Hai câu thơ bạn thích nhất là: 

"Đời không cát bụi - đời không phải 

Chí chẳng tung hoành - chí chẳng trai!".

P/S: Chàng trai này sẽ xuất hiện trong bản tin tiếp theo. Mời các bạn cùng theo dõi!



https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.