Giới tinh hoa xưa nay có một câu nói, "sư phụ tìm đồ đệ chứ không phải đệ tử tìm sư phụ, hoặc khi bạn tích luỹ đủ khát vọng thì thầy sẽ xuất hiện”. Nghĩa là các bậc danh sư thường tìm kiếm đệ tử cho mình với những thử thách rất khắc nghiệt, nếu không phải là người có đức tin trọn vẹn sắt son và tài đức cao dày thì sẽ không truyền chân cơ cho. Có rất nhiều bí thuật thời cổ đại không được lưu truyền. Các bậc danh sư ấy không tìm được người kế thừa nên họ thà chết đi mang xuống mồ chứ không truyền cho người không đủ phẩm cách, vì với người đầu óc nhỏ, họ sẽ sử dụng trí khôn ấy để mưu danh mưu lợi cho bản thân, mà một khi mưu cầu danh-lợi cho cá nhân thì thể nào cũng hại người khác. 

Trong tỷ tỷ sinh mệnh người đi qua trái đất trong mấy ngàn năm qua, có nhiều người cực kỳ thú vị. Có thể kể đến Quỷ Cốc Tử. Ông lánh xa thế nhân, chỉ lặng lẽ sống trên núi. Tuy vậy, danh tiếng của ông khiến bao nhiêu người khăn gói đến học. Quỷ Cốc nhận tất cả, nhưng căn cứ theo tư chất của đệ tử, xem họ thích hợp thế nào thì sẽ truyền dạy thế đó. Ví dụ với người có tư chất, đạo đức và tầm nhìn xa thì ông dạy lâu để sau này xuống núi kinh bang tế thế, đổi cục diện lịch sử. Người kém hơn, hám danh hám lợi con con thì ông chỉ cho cách kiếm ăn rồi nhanh chóng cho đi, kiếm chút vui vẻ cho xong một đời người. 

1. Danh sư chọn được 4 môn đệ, đó là Tô Tần, Trương Nghi, Bàng Quyên và Tôn Tẫn, ngày đêm học hành với vô số những lần cải trang xuống núi để va chạm thực tế, rồi sau đó thì quay lại học lý thuyết, đàm luận, rồi lại xuống núi để áp dụng, cọ xát thực tế, thử nghiệm mọi cảm xúc để tôi rèn bản lĩnh. Như mọi nhà tư tưởng đại tài khác trong lịch sử, ông đã tạo nên những môn đệ lưu danh sử sách, như Aristotle (A-rít-tốt) đào tạo vĩ nhân Alexandre Đại Đế vậy. 

Quỷ Cốc thần sư là người duy nhất nắm bí quyết về xuất-thế, giữ toàn chân tính, luyện thuốc nuôi mình không đau, không chết. Khi ngao du sơn thuỷ, ông vẫn cốt ý tìm môn đệ truyền dạy những phép này để cho người tinh hoa trong nhân loại, sau những năm tháng hồng trần, có thể thanh thản cuối đời mà tu tập, đạt cảnh giới tiên. Tuy nhiên, ước nguyện lớn nhất của ông không thành hiện thực vì bốn đệ tử của ông chọn đều theo con đường danh vọng. 

Bàng Quyên là môn đệ đầu tiên làm Quỉ Cốc thất vọng. Tuy lúc mới nhận vào, sống chung trên núi, thần sư thấy được tâm tính Bàng Quyên, nhưng ông hy vọng sẽ cải tạo được con người này, tự tin nhận vào cho đi theo dạy dỗ, xem như một canh bạc lớn. Sau 3 năm rèn luyện, Quỷ Cốc xét thấy ở thực chất, con người Bàng Quyên rất tầm thường, ích kỷ hám danh hám lợi, không mảy may có một chút tiết tháo của một người tinh hoa dám chấp nhận quên bản thân để giúp đời giúp người. 

Một hôm, thần sư đang tĩnh toạ, bỗng thấy bóng Bàng Quyên nơi ngoài, nửa muốn vào, nửa lại thôi. Biết rõ tâm trạng của học trò, Quỉ Cốc liền vui vẻ bảo xuống núi để cầu lấy giàu sang, danh tiếng. Bàng Quyên cả mừng, xin phép đi ngay. Trước khi đi, Quỷ Cốc bảo Bàng Quyên hãy đi tìm một bông hoa để ông về đoán cho vận số. Lúc đó là tháng 6 âm lịch, tiết trời oi bức, cây cỏ trơ cành. Loay hoay rất lâu, Bàng Quyên bắt gặp một cây cỏ có độc một đoá hoa liền nhổ lên. Nhưng sau khi ngắm nghía, Quyên thấy có một bông hoa thì ít quá, sợ thầy nói tài lộc không nhiều, nên Bàng Quyên vứt vào bụi, tiếp tục đi tìm. Mất cả buổi vẫn không hề trông thấy cây hoa khác, Bàng Quyên đành quay lại chỗ cũ, nhặt lấy cành hoa đã úa, giấu trong tay áo, trở về.

Trông thấy Quỉ Cốc còn chờ đợi, Bàng Quyên thưa:

- Con tìm khắp nơi vẫn không có hoa!

- Hoa trong tay áo con, sao bảo không có?

Bàng Quyên đành trình lên, Quỉ Cốc hỏi:

-Con biết đây là hoa gì không?

Bàng Quyên lắc đầu, Quỉ Cốc giải thích:

- Hoa này gọi là hoa mã-đầu-linh, mỗi lần nở 12 nụ, ứng vào 12 năm công danh của người bắt gặp nó. Tuy nhiên hoa có sắc thái úa do con không mang về ngay để tưới nước mà vứt bỏ nó vào bụi, tìm hoa tốt hơn, cho nên điềm ứng sau này, vì bản tính tham lam của con mà con không ngày nào an yên. Con lại dối thầy, ăn có nói không, tội "khi sư diệt tổ" là một tội lớn với trời đất. Và sự dối trá của con mà con sẽ bị người đời dối trá lại. 3 năm rồi, sống ở đây nhưng tâm tính con vẫn không thay đổi, số phận con thế nào sau 12 năm công danh kia thì đến ta cũng không biết được. 

Hôm sau, Quỉ Cốc gọi ba đứa học trò còn lại, bảo:

- Thầy vốn không ưa tiếng chuột rúc ban đêm. Vậy kể từ đêm nay, các con phải thay phiên nhau thức đuổi chuột.

Ba môn đệ vâng lời, chia nhau mỗi người thức một đêm. Hai người kia lúc phiên mình trực, ngồi chờ chuột chán nên thường ngủ gục, thái độ không vui. Chỉ riêng Tôn Tẫn, ông không thụ động ngồi chờ mà luôn tay luôn chân làm việc này việc nọ, lúc đan rổ lúc đọc sách, đêm cũng như ngày, không mảy may mệt mỏi.

Đến đêm Tôn Tẫn phải thức, Quỉ Cốc kêu vào, và lấy một quyển sách rồi nói:

- Đây là mười ba thiên binh pháp của Tôn Võ hay còn gọi là Binh Pháp Tôn Tử. Trước kia Tôn Võ đem dâng cho vua nước Ngô. Ngô Vương đọc theo đó mà đánh tan quân Sở. Biết đây là của quí nên Ngô vương bèn cho giấu dưới chân cột Cô Tô Đài, không truyền lại cho ai. Từ khi đài Cô Tô bị quân Việt đốt, bộ sách không còn. May mắn là trước đó, ta một lần được xem qua sách ấy và nhớ mãi, đã ghi chép lại. Những bí quyết hành binh đều ở trong đó cả, nay thấy con có chí và trung thành, quan trọng nhất là làm việc có TRÁCH NHIỆM, ta mới đưa sách quý cho con. Trên đời, nếu cần tìm một nhân phẩm cho một người đàn ông, thì cao quý nhất của mọi cao quý chính là tính TRÁCH NHIỆM.

Tôn Tẫn thưa:

- Thầy đã nhọc công thu thập, sao không cùng dạy cho mấy anh em, lại chỉ truyền riêng cho con?

Quỉ Cốc đáp:

- Được quyển sách nầy khéo dùng thì làm lợi cho thiên hạ, không khéo dùng lại hại to. Gươm báu chỉ trao cho người có tâm, có trí, có đức, có cơ. Con nên nhớ điều đó, không phải ai cũng nên dạy dỗ, hướng dẫn, giúp đỡ về đường đi. Xưa ta còn trẻ, ta có sai lầm là ai ta cũng hướng dẫn họ tránh mọi sự kiết hung, ai cũng giúp đỡ. Nay ta nghĩ lại. Kệ họ, tâm tính họ ra sao thì số phận họ phải chịu vậy, không nên khác. Họ chọn thái độ và chọn số phận. 

2. Khi chia tay, chính Tôn Tẫn đưa tiễn xuống núi. Bàng Quyên nói: “Chúng ta có thề cùng nhau tạo dựng sự nghiệp, người này có công danh trước thì tiến cử người khác". Tôn Tẫn hỏi lại: “Câu này có thật không?”. Bàng Quyên đáp: “Nếu lời giả dối, nhất định ta sẽ chết dưới hàng vạn mũi tên”. Hai người lau nước mắt từ biệt nhau. Khi Bàng Quyên vào triều, Nguỵ Huệ Vương nhìn thấy Bàng Quyên có tướng mạo khôi ngô tuấn tú, cho mời đến nói chuyện. Bàng Quyên làu làu kinh sử, ăn nói hùng biện khúc chiết, nên được Nguỵ Huệ Vương cho nắm lấy binh quyền của cả nước Nguỵ, dẫn quân chinh phạt các nước.

Sau này, Mặc Tử, một nhân vật xuất chúng khác, đến thăm Quỷ Cốc Tử. Quỷ Cốc Tử sai Tôn Tẫn ra đưa tiễn. Mặc Tử hỏi Tôn Tẫn sao không ra ngoài để thành tựu công danh. Tôn Tẫn kể rằng mình có hẹn ước, vẫn đang chờ Bàng Quyên tiến cử. Mặc Tử nghe xong liền đến nước Ngụy để nghe ngóng thực hư. 

Mặc Tử đến nước Ngụy, nhìn thấy Bàng Quyên nói lời ngạo mạn, không muốn tiến cử Tôn Tẫn, liền trực tiếp Ngụy Huệ Vương. Huệ Vương hỏi: “Tôn Tẫn và Bàng Quyên đều theo học Quỷ Cốc tiên sinh, ông thấy ai giỏi hơn?”. Mặc Tử đáp: “tuy là bạn học, nhưng chỉ có Tôn Tẫn có được bí truyền, khắp thiên hạ không có đối thủ".

Ngụy Huệ Vương cho gọi đến hỏi chuyện, nói rằng Tôn Tẫn có được bí truyền, tại sao không triệu Tôn Tẫn đến giúp. Bàng Quyên nói Tôn Tẫn là người nước Tề nên không tiện. Huệ Vương nói: “Nam nhi chết vì người tri kỷ. Chẳng lẽ cứ phải là người nước ta thì mới có thể dùng sao?”. Thấy Huệ Vương đã quyết như vậy, Quyên đành viết thư cho Tôn Tẫn nhưng trong lòng lại nghĩ: “Binh quyền hiện nay đều nằm hết trong tay của mình, Tôn Tẫn đến đây, chắc chắn sẽ đoạt mất sự sủng ái. Thôi cứ mời hắn tới, rồi lập mưu bắt viết ra hết bí quyết của sư phụ rồi thủ tiêu là xong". 

Khi nhận được thư mời, Tôn Tẫn vội vàng mang cho thầy xem. Quỷ Cốc Tử đọc, thấy trong thư ngay đến một câu hỏi thăm sư phụ cũng không có. Đây rõ ràng là một người lạnh lùng vô ơn, người xưa nói "ăn 1 bữa cơm cũng đã hàm ơn người rồi". Quỷ Cốc tiên sinh biết tâm tính Bàng Quyên, Tôn Tẫn đến đó chắc chắn sẽ bị hại. Nhưng ông cũng không cản, vì số phận Tôn Tẫn đã như thế, ông không thể đổi mệnh trời, thiên cơ không tiết lộ. Nhưng đạo làm thầy, khi biết tương lai của học trò mình như thế mà không giúp thì sao đành, Quỷ Cốc Tử bèn làm lễ đổi tên. Tôn Tẫn tên thật là Tôn Tân, nhưng Quỷ Cốc thêm một chữ "nguyệt" ở bên trái, thành Tẫn. Khi chia tay, Quỷ Cốc Tử lại đưa cho Tôn Tẫn một tờ giấy nhỏ, làm thành mặt dây chuyền đeo trên ngực, cặn dặn là chỉ đến lúc đối diện sinh tử thì mới được mở ra xem. 

3. Bàng Quyên làm việc với Tôn Tẫn nhưng trong lòng không yên vì thấy Tẫn tài giỏi hơn, sợ mất lợi mất danh nếu được Huệ Vương trọng dụng. Một lần, Bàng Quyên cho người giả chữ viết của Tôn Tẫn, trong thư nói xấu Huệ Vương và muốn sang nước Tề, rồi cho bắt người đưa thư. Huệ Vương nổi giận, định giết Tôn Tẫn, nhưng Bàng Quyên ngăn, nói chỉ nên cắt xương bánh chè chỗ đầu gối để không đi lại được. Trong thâm tâm, Bàng Quyên muốn Tôn Tẫn chỉ mình toàn bộ bí kíp kia xong rồi mới bức hại. Bàng Quyên lại nói với Tôn Tẫn, nhờ xin mãi mà bảo toàn mạng sống, đem về nhà nuôi. Tôn Tẫn thấy vậy rất cảm động rồi hứa sẽ truyền "Tôn Tử binh pháp"cho. Một người coi ngục tốt bụng đã mách với Tôn Tẫn biết rõ sự thực rằng ông sẽ bị giết chết khi viết xong bộ Binh Pháp. Tôn Tẫn chợt nhớ lá bùa đeo trên ngực trước khi đi mà Quỷ Cốc cho, liền mở ra, thấy ghi chữ “giả điên”, ông làm theo. Quyên cho là Tẫn giả điên cho đến khi tận mắt thấy Tẫn bốc phân lợn bỏ vào miệng ăn vui vẻ, từ đó không đề phòng nữa. 

Mặc Tử tình cờ biết được tin này, than rằng chính mình đã hại Tôn Tẫn. Mặc Tử đem chuyện nói cho công tử Điền Kỵ, nhờ Điền Kỵ tâu Tề Uy Vương. Tề Uy Vương sử dụng mưu kế cứu Tôn Tẫn trốn thoát thành công, về nước Tề nắm binh quyền. 

Tôn Tẫn và Bàng Quyên ở vào thế đối lập trong hoàn cảnh hai nước Tề – Nguỵ xảy ra chiến tranh, mở ra những cuộc quyết đấu sinh tử trong nhiều năm. Một lần giao tranh, Bàng Quyên bị bắt sống, nể tình đồng môn, Tôn Tẫn tha cho về nước. Năm 341 TCN, Bàng Quyên dẫn binh sang đánh để lấy lại thanh danh. Tôn Tẫn dùng kế “rút bếp”, cho quân làm bếp ít đi một nửa sau mỗi ngày, từ 10 vạn cái xuống không đầy 3 vạn. Bàng Quyên cho người đếm bếp, cho rằng quân Tề vì đã đào ngũ bỏ đi cả, bèn gấp rút đuổi theo. Tôn Tẫn đã tính trước Bàng Quyên đến chiều tối sẽ đi qua Mã Lăng Đạo ở giữa hai ngọn núi, nên bày sẵn mai phục. Tôn Tẫn cho người chặt cây hết xuống để cản đường, chỉ để lại một cái cây lớn nhất, cạo sạch phần vỏ, dùng than viết lên sáu chữ "Bàng Quyên chết dưới cây này”.  Khi Bàng Quyên đi đến, ngước đầu lên nhưng trời tối, không đọc rõ chữ, sai người đốt lửa lên. Dưới ánh lửa, Bàng Quyên đọc xong kinh hãi nói: “Ta trúng kế rồi!”, vội vàng kêu quân lính rút lui, nhưng lúc đó, quân Tề nhất loạt bắn tên như mưa xuống. Bàng Quyên thế cùng lực kiệt, bèn rút gươm tự sát chứ không muốn bị bắt lần 2. Tôn Tẫn cho chôn cất Bàng Quyên tử tế, và chợt nhớ đến lời thề ngày xưa của Bàng Quyên: “Nếu ta nói lời giả dối, nhất định sẽ chết dưới hàng vạn mũi tên”.

2015 


https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.