1. Trong một giai đoạn lịch sử, sẽ xuất hiện những nhân vật có cá tính cực mạnh, chí cực lớn, đưa nền kinh tế đất nước đó lên 1 tầm cao, người ta gọi nhà tư bản dân tộc, trên mức doanh nhân. Thiếu họ, đất nước đó sẽ mãi trong bẫy thu nhập trung bình. Nước nào càng nhiều người có tầm vóc lớn thì nước đó càng nhanh chóng phát triển về kinh tế, kéo theo xã hội phát triển văn minh. 

Ở châu Á trong lịch sử cận đại, chỉ có vài dân tộc có được điều này là Nhật, Hàn, Trung-Đài-Hongkong, Singapore, Qatar, UAE, Israel, Brunei, Malaysia. Các nước còn lại thoát đói được, thoát nghèo được nhưng mãi vẫn không giàu. Bỏ xe đạp qua xe máy thì dễ, nhưng bỏ xe máy lên xe hơi thì chỉ một tỷ lệ nhỏ trong dân chúng thôi. 

Nguyên nhân là do tỷ lệ người an phận và nghĩ nhỏ trong xã hội các nước này quá đông, cùng nhau trò chuyện mỗi ngày những cái lặt vặt là cùng nhau kéo xuống. Mọi thứ bắt nguồn từ văn hoá của dân tộc đó, đa phần xuất phát từ nông dân nghèo mấy ngàn năm nên cũng khó mà thay đổi đầu óc một sớm một chiều. Cha mẹ ông bà hướng dẫn con cháu họ nghĩ nhỏ, thầy cô cũng đào tạo theo hướng nghĩ nhỏ, an toàn, ăn chắc mặc bền (vì bản thân họ cũng thế). ĐH thì đào tạo theo hướng xin việc hoặc mưu sinh kiếm cơm qua ngày nên cũng rất khó đào tạo ra 1 nhóm đông đảo các nhà tư bản dân tộc như các nước đã tạo ra kỳ tích. Ví dụ như ở Philippines, khi đi học, thầy cô dạy "học tiếng Anh thật tốt vào để xin qua Mỹ qua Úc qua Canada làm, nếu không qua nổi mấy nước đó thì đi xin việc ở các nước khác ở châu Á, bản thân tôi (giáo viên, giáo sư) cũng dở nên phải ở đây, chứ có cơ hội là đi liền". Cha mẹ ông bà cũng không khuyến khích con mình đứng ra sản xuất kinh doanh gì, vì "nhức đầu mệt mỏi" (trừ cộng đồng người Hoa). Các trường dạy tiếng Anh ở Philippines nhiều nhưng chẳng có người gốc Phi nào là chủ cả, toàn là người từ Hàn, Nhật, Trung, Đài, Úc....sang mở. Nền giáo dục Phi (nhà trường lẫn gia đình) đều hướng đến việc đào tạo ra ca sĩ, giúp việc, thầy giáo tiếng Anh, y tá, công nhân,....để xuất khẩu lao động khắp thế giới, mỗi năm gửi về dăm ba chục tỷ đô la Mỹ mà đã cho là lớn lắm. Nguồn thu từ xuất khẩu lao động không bền vững vì họ không ưng là đuổi về nước, cá nằm trên thớt. Dân chúng thì mỗi việc dồn về vùng Metro Manila để kiếm việc làm, khiến giao thông khu này tắc nghẽn kinh khủng. 

Ngược lại, giáo dục Hàn hay Israel thì hướng đến việc tạo ra các ông chủ bà chủ, họ nhập khẩu lao động từ các nước khác về, giao việc để tạo ra trăm tỷ, ngàn tỷ đô la cho nước họ. Họ xuất khẩu là xuất khẩu hàng hoá, công nghệ. Cùng xuất phát điểm nghèo như nhau vào thập niên 50, cùng mở cửa thị trường tự do và là đồng minh thân thiết của châu Âu, Hoa Kỳ, nhưng Hàn Quốc (dân số 51 triệu) có tổng tài sản 1700 tỷ đô (GDP 2018) so với vỏn vẹn có 330 tỷ đô la Mỹ của 110 triệu người Philippines. Rất nhiều tập đoàn nhà máy Hàn Quốc ở Philippines và rất nhiều người Philippines đang làm thuê ở Hàn Quốc còn người Hàn Quốc thì làm chủ hết ở Philippines. Cốt lõi của sự phát triển kinh tế là do văn hoá. 

Nhà tư bản dân tộc là một khái niệm rất hay, nếu bạn trẻ nào có đầu óc tốt, có cá tính mạnh, có chí lớn...thì có thể mơ đến việc trở thành 1 nhà tư bản dân tộc. Làm lớn nhưng để phụng sự quê hương, giúp đỡ muôn người (chứ không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân mình, gia đình mình) thì mới được gọi danh xưng này. Nhưng muốn làm được thì họ phải bỏ cái tôi cá nhân và đầu óc vặt vãnh, để có thể cổ phần được với nhau mà làm. Không cổ phần, thì không thể có doanh nghiệp lớn được. 

2. Một người, khi nghĩ khác và làm khác, sẽ có lời ong tiếng ve, tiếng chì tiếng bấc từ cộng đồng, từ những người vô danh hoặc không có thành tựu. Nếu còn để tâm đến họ là mình còn rất dở. Kệ họ. Sư tử không thể vì tiếng bàn tán tư vấn khuyên răn của con ong con ve mà điều chỉnh, cầu thị cho giống mấy con côn trùng. Con ong con ve tầm mắt chỉ có thế, khác nó là nó chê. Mình là sư tử mà nghe theo, điều chỉnh theo mấy con đó thì không còn là sư tử nữa. Nếu đã chọn về quê hoặc 1 nơi xa xôi hẻo lánh nào đó để sản xuất khởi nghiệp, thì xách giỏ lên đường thôi, nói phát một làm luôn. Mình âm thầm làm, không hỏi ý kiến bất cứ ai. Ai nói khó, khuyên ngưng, bàn ra... là mình đứng dậy về liền, nhảm nhí quá. Cha mẹ mình mà bày mình cái nhỏ hay cái an toàn ổn định thì xin phép không nghe, đời họ nghèo khó vậy đủ rồi, thương thì thương nhưng tự sắp xếp đời mình, nghe theo họ rồi nghèo và không có thành tựu y chang họ thì uổng cuộc đời mình, mình là 1 cá thể khác, không phải mấy chữ hiếu vớ vẩn của ông Khổng Tử mà nói sao nghe vậy, đặt đâu ngồi đó. Chỉ có vài chục năm ngắn ngủi đến trái đất mà thôi. Tình thân tình yêu thật sự là không ràng buộc áp đặt kiểm soát đời nhau. Đi. Thành danh về giúp họ sau vậy. Không ai hiểu thì cũng chẳng sao. Tầm mình khác. 

Còn bạn bè hay người ngoài, do mình không kín miệng mà BỊ họ khuyên đấy thôi. Bạn bè là để đàn đúm chơi vui lúc rảnh rỗi trà dư tửu hậu chứ có phải cổ đông đối tác đâu mà bàn chuyện cơ mật làm ăn, say sorry chuyển đề tài khác liền. Bất cứ ai không có thành tựu mà khuyên, không hỏi mà tò mò lao vô khuyên bảo, thì do sợ mình thành công. Họ có nhà máy xí nghiệp công ty trăm nhân sự doanh thu ngàn tỷ thì may ra còn để ý 1 chút, còn nếu họ chẳng có gì thì tư duy họ đã sai be bét rồi, cần gì nghe theo người không có gì trong tay? Nhóm người này thì dư thời gian và ưa khuyên răn lắm, người càng kém hiểu biết thì càng ham khuyên, cốt để có chút giá trị. Họ nghĩ ai cũng như họ, họ không làm được thì cũng muốn chẳng ai làm được. Những người bàn lui đều có tâm thức như thế cả, có thể với vỏ bọc nguỵ ngôn là "tao thương nên khuyên mày đừng làm". 

3. Mình cứ son sắt sắt son. Âm thầm xách giỏ về nước về quê, triển khai nhà xưởng, bắt đầu bằng cái chảo rang ở 1 làng quê hẻo lánh như hàng ngàn bạn hiện nay. Nếu làm công ăn lương, về nước mà cũng đi xin việc ở Sài Gòn Hà Nội thì ở bển làm thuê luôn cho rồi, chứ về nước chi cạnh tranh việc làm với người trong nước. Về nước là triển khai chí lớn, giúp đỡ muôn người.

Cứ việc mình mình làm thôi. Ngày bận áo công nhân đeo găng tay vô sản xuất, đêm trang điểm lộng lẫy ngồi hát múa live stream bán hàng. Cứ không phạm pháp là mình làm, ai khinh bỉ kệ họ chứ, họ là ai trong cuộc đời này đâu. Mình tự sản xuất, tự bán hàng....cho đến khi tích luỹ vốn kha khá, nhân sự đông đông thì chia việc ra mà triển. Thành tựu sẽ phân loại người, không cần nói. 

Hiện có rất nhiều bạn trẻ khát vọng để làm cái gì đó lớn lao cho quê hương đất nước. Muốn vậy, thì bản thân mỗi người đầu tiên phải là người thích nghi tốt, nếm mật nằm gai vẫn vui vẻ, chịu cực chịu bất lợi cũng không bỏ cuộc, và bắt đầu khởi nghiệp từ những nơi xa xôi, mở giang sơn rồi mở rộng lãnh thổ (ngày nay, giang sơn là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn và lãnh thổ chính là thị trường mà công ty đó có được, mở được lãnh thổ nước ngoài càng tốt, tức xuất khẩu). Và phải có chí lớn, khi có chí lớn, người ta sẽ hành xử rất khác, suy nghĩ rất khác, không chấp nhận sự vụn vặt, chút danh chút lợi con con. Và khi có chí lớn, người ta không dành thời gian đôi co tranh biện với con ong con ve, chẳng để làm gì cả. 

4. Không có ai trong số những nhà tư bản dân tộc nước ta và trên thế giới bắt đầu sự nghiệp bằng việc ngồi văn phòng máy lạnh ở Sài Gòn, Hà Nội, Seoul, Tokyo, Băng Cốc...cả. Thú vui thị thành, chút danh lợi và việc gặp gỡ giao lưu trò chuyện với những người đang quyết chí bám trụ ở phố sẽ giết chết ý chí và tầm lớn của 1 sư tử. Họ sẽ rủ mình mua đất phân lô mua nhà chung cư để đầu cơ chờ giá lên kiếm dăm ba tỷ đồng tiền lời, rồi mua xe mua cộ khoe nhau, rồi mua quần áo, coi phim, vô mấy chỗ shopping malls để ăn uống, đi nhảy, học thạc sĩ này nọ ban đêm, thấy học hoài mà chẳng thấy triển cái gì. Loài người đâu có cần thêm thạc sĩ hay tiến sĩ nữa, chúng ta cần người nghĩ ra cái mới. Thành phố cũng đâu có thiếu người nữa, mình kéo lên đó ở thì chật chội thêm. Mở DN ở Hà Nội Sài Gòn thì chỉ là tranh giành 1 phần miếng bánh vốn đã quá nhiều người tranh ăn. Những làng quê, những tỉnh xa đang thiếu người mở doanh nghiệp. Những nơi đó cần mình hơn. 

Nói chung, các thú vui của thị dân sẽ khiến đầu óc một người trẻ mê muội vô cái tham nhỏ, không làm được cái lớn, vì nghĩ vậy là tiện nghi, sung sướng, cơ hội, thành đạt. Người có trí mà gói gọn cuộc đời trong giấc mơ 1 vợ 2 con 3 lầu 4 bánh thì chỉ tốt chỉ lợi cho cá nhân họ chứ không tốt cho đất nước. Ước mơ cá nhân nho nhỏ thì chẳng sai, những cũng đâu có gì để khen? Họ có thêm vợ - thêm con - thêm nhà - thêm xe thì người khác trong xã hội được gì? Chẳng có gì cả. Trời đất sinh ra loài người, chỉ cho 5-10% dân số có trí, có năng lực học hành hơn người, lại đi nghĩ nhỏ, hoặc nghĩ lợi cho mình, đắm say tư hữu. Hoặc lười biếng sợ cực không chịu làm, hoặc sợ mất mà không dám triển khai. Ông trời trên cao cũng chép miệng mà tiếc, biết vậy xưa không cho nó tài trí làm gì. 

Các nhà tư bản dân tộc trên khắp thế giới có một khởi đầu giống nhau. Họ đều bắt đầu từ một xưởng mì tôm, một xưởng gỗ, một lò rang cà phê, một gara xe hơi, một lò ấp trứng...ở một địa phương nào đó. Và hiện nay, có rất nhiều bạn ở lứa tuổi 9x đang lấm lem dầu mỡ ở các góc bếp. Với hiểu biết sâu về quỹ thời gian đời người để sống dấn thân, họ chấp nhận chịu cực chịu khổ chịu mất cái này cái kia để tạo ra thành tựu và vài người trong số họ sẽ trở thành những nhà tư bản dân tộc trong tương lai.

P/S: Các bạn đừng tò mò nghe những tin đồn về những người nổi tiếng. Chả có tin đồn nào đúng cả. Đó chỉ là những suy diễn thêu dệt của những con ong con ve thôi. Khi nào mình trực tiếp gặp và nói chuyện với họ thì mới biết sự thật, còn lại, học cái lớn lao của họ mà tự mình triển khai làm, thay vì soi mói chuyện riêng tư hay các tin đồn để thoả mãn sự tò mò cá nhân. Mình mà quan tâm đến tin tức dạng này thì mình đã tự kéo đầu óc mình xuống rất thấp, cùng tần số với những con ong con ve đấy. Tương tự đọc bài báo, đọc và rút ý mình cần tiếp nhận, không đọc phần bình luận của những người rảnh rỗi. Chỉ phí thời gian và lây lan sự tiêu cực của họ. 

SẼ CÓ NHỮNG 9X ĐANG ĐỌC NHỮNG DÒNG NÀY, NGHĨ LỚN, CỔ PHẦN VỚI NHAU LÀM  THÀNH NHỮNG TẬP ĐOÀN LỚN HƠN CẢ CHÚ VƯỢNG, CHÚ ĐỨC HAY CHÚ DƯƠNG NỮA

Bầu Đức: 'Tôi năn nỉ ông Trần Bá Dương thâu tóm công ty nông nghiệp'

Bầu Đức nói rất vinh dự khi HAGL Agrico được ông Trần Bá Dương thâu tóm và nhờ vậy "lần đầu có một công ty không nợ ngân hàng".

Sau khi vừa chuyển ghế Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cho ông Trần Bá Dương, Bầu Đức tuyên bố đã thoát khỏi vòng luẩn quẩn vì nợ nần.

"Từ ngày hôm nay, bức tranh tài chính của HAGL Agrico rất tươi sáng. Tôi cũng lần đầu tiên trong đời có một công ty không nợ ngân hàng", ông Đức chia sẻ và cho biết muốn được một lần khẳng định "đã năn nỉ anh Dương thâu tóm HAGL Agrico".

Bầu Đức cho rằng, dư luận có thể nói này nọ, nhưng cá nhân ông cảm thấy mình rất sáng suốt. "Hai năm tròn chúng tôi không có một tiếng nói nặng với nhau. Anh Dương đối với tôi rất chân tình, chỉ có giúp và giúp ", Bầu Đức nhấn mạnh.

Ông nhớ lại giai đoạn quyết định chuyển hướng sang nông nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai vẫn là một tập đoàn bất động sản lớn. Thế nhưng, vì khát khao tiên phong và không cưỡng được sức hút của cây cao su nên ông dốc lòng đầu tư cho lĩnh vực này.

Năm 2008, những đồng vốn đầu tiên được rót vào để gầy dựng vườn cao su. Mỗi tấn mủ lúc đó giá 5.000 USD, nếu theo lý thuyết sau 5 năm sẽ mang về 200-300 triệu USD. Tuy nhiên, giá thị trường lúc thu hoạch rớt còn 1.100 USD nên khoản lỗ và khoản nợ cứ thế tăng theo tỷ lệ thuận.

"Nếu Chính phủ không ra tay cứu bằng cách cho các ngân hàng kéo dài thời gian trả nợ 5 năm thì hôm nay tôi không còn đứng đây nói chuyện", ông Đức bộc bạch.

Bám lấy chiếc phao cứu sinh này giúp công ty ông duy trì sự sống nhưng hoạt động vẫn trầy trật. Công ty bắt đầu không đủ tiền trả lương nhân viên. Hình ảnh trong mắt nhà đầu tư và đối tác xấu dần khi ai nghĩ đến công ty ông cũng chỉ nhớ về những khoản nợ chồng chất.

Bầu Đức nói rằng khi đó ông vừa tự hào vì HAGL Agrico là một doanh nghiệp hiếm hoi sở hữu khối tài sản lớn nhưng cũng vừa trăn trở cách trở lại thời hoàng kim.

Một ngày đầu năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức gọi điện mời ông Trần Bá Dương mua cổ phiếu nhưng khi đó ông chủ Thaco không quan tâm đến chứng khoán. Sau đó, ông Đức vẫn gửi tiếp một bức thư tay kể về những khó khăn khi làm nông nghiệp và khẩn thiết nói chỉ có "đầu kéo tầm cỡ như Thaco" mới đủ sức vực dậy, không chừng còn gầy dựng một đế chế nông nghiệp "vô tiền khoáng hậu" cho Việt Nam.

Vì bức thư này, ông Dương đồng ý qua Lào và Campuchia tham quan những nông trường bạt ngàn và tìm hiểu cách HAGL làm nông nghiệp. Chưa đầy hai ngày, hai bên thống nhất hợp tác và Thaco lập tức ứng 2.100 tỷ đồng để tạo thanh khoản tạm thời.


Ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ tại buổi chuyển giao cho ông Trần Bá Dương.

"Anh Dương rót tiền mà không có một mảnh giấy lộn, bởi nếu làm thủ tục phát hành trái phiếu, xin ý kiến cổ đông theo quy trình mất 2 tháng thì công ty sụp rồi", ông Đức kể. Vài tháng sau, lãnh đạo hai bên mới chính thức thông qua hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi để Thaco và nhóm cổ đông liên quan sở hữu 35% HAGL Agrico.


Bầu Đức và ông Trần Bá Dương giữ hai ghế quan trọng nhất trong Hội đồng quản trị của HAGL Agrico. Ảnh: HL.

"Cuộc hôn phối" có những tín hiệu khởi sắc sau hai năm, nhưng chừng đấy thời gian chưa đủ để thay đổi hoàn toàn diện mạo. Tính đến 30/9/2020, công ty vẫn còn nợ xấp xỉ 15.900 tỷ đồng và lỗ luỹ kế 2.300 tỷ đồng. Tình trạng mất cân đối tài chính, cộng thêm tiềm lực của Hoàng Anh Gia Lai không vững vàng khi đang trong quá trình tái cơ cấu buộc Bầu Đức phải ra một quyết định mới: phát hành riêng lẻ cổ phiếu và bán công ty con.

Theo kế hoạch vừa được đại hội đồng cổ đông thông qua, Công ty Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico – thành viên của Thaco) sẽ mua hết 741 triệu cổ phiếu với giá phát hành 10.000 đồng và nhận chuyển nhượng 4 công ty con trị giá 9.200 tỷ đồng. Trong vòng ba ngày, Bầu Đức thu về 16.000 tỷ đồng để trả hết nợ ngân hàng, nợ nhóm Thaco, đối tác... và còn dư để bổ sung vốn lưu động.

Sau đợt phát hành này, Hoàng Anh Gia Lai giảm tỷ lệ tại HAGL Agrico xuống dưới 27% và không còn nắm quyền chi phối. Thay vào đó, Thagrico sở hữu 63,08% và trở thành công ty mẹ.


Vườn chuối công nghệ cao của HAGL Agrico. Ảnh: HNG.

Bầu Đức cho rằng, với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn và tài quản trị con người, việc ông Dương vực dậy công ty thành công là đương nhiên, "còn không mới là bất thường".

Trong chiến lược Thaco mới công bố cho hai năm tới, HAGL Agrico sẽ tập trung trồng các loại cây ăn trái chiến lược (chuối, xoài, dứa), nuôi bò sinh sản, bò thịt theo mô hình chăn thả và bò vỗ béo tập trung trên nền tảng nông nghiệp hữu cơ. Những vườn cây không hiệu quả như thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, mít... sẽ được đánh giá lại để thay đổi. Dự kiến doanh thu năm nay đạt hơn 2.100 tỷ đồng, trong đó cây ăn trái đóng góp 1.766 tỷ đồng.

"Tôi thấy anh Dương xây dựng kế hoạch khiêm tốn quá. Vì khi nợ không còn, đất mấy chục nghìn hecta thì HAGL Agrico sẽ thành công và thành công rất nhanh thôi", Bầu Đức nói. Nguồn: https://vnexpress.net/bau-duc-toi-nan-ni-ong-tran-ba-duong-thau-tom-cong-ty-nong-nghiep-4218428.html

https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.