Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc (còn gọi là kỳ tích Sông Hàn) bắt nguồn từ việc đầu tư cho hệ thống đường cao tốc (highway, expressway). Thí điểm đầu tiên năm 1967 chỉ là đường ngắn 24km giữa thủ đô Seoul và Incheon (khu sân bay bây giờ), năm 1969 họ quyết tâm đầu tư vào con đường nối Seoul và Busan, dài 428km, gọi là Gyeongbu Expressway. Họ chia thành những đoạn ngắn và giao cho các tập đoàn thi đua nhau thi công. "Toàn bộ tuyến cao tốc Gyeongbu được chia thành bảy đoạn đường và có sự tham gia của 16 công ty xây dựng hàng đầu trong nước để tạo nên tuyến huyết mạch của quốc gia. Từ lúc khởi công cho đến khi hoàn thành, có đến 8,9 triệu người, bao gồm cả người dân, binh lính và giám sát quản lý, tham gia vào công cuộc xây dựng. Tất cả dân tộc đều tập trung góp sức góp công để làm con đường này". Khi xong đường cao tốc này, cứ cỡ 30 km dọc theo trục cao tốc thì xây một khu công nghiệp lớn. Họ áp buộc các tập đoàn đầu tư nhà máy xí nghiệp vào các khu công nghiệp đó, khiến kinh tế Hàn Quốc hưởng và tăng trưởng nhanh đến mức không thể tin nổi. 

Các giáo sư Hàn Quốc khi nhìn vào Việt Nam, họ nói nếu VN muốn tăng trưởng kinh tế như Hàn Quốc thập niên 70, nên đầu tư vào hệ thống đường cao tốc có tiềm năng kinh tế lớn trước. Nơi đó sẽ ra tiền để đầu tư vùng khác. 

Đó là đường cao tốc ở miền Tây Nam Bộ (gồm Trung Lương-Cần Thơ-Cà Mau), cao tốc thứ 2 là Sóc Trăng-Cần Thơ-Châu Đốc (vì Sóc Trăng chuẩn bị có cảng biển Trần Đề do Pháp đầu tư tới mấy tỷ đô, lớn hơn cảng Sài Gòn/Cái Mép Vũng Tàu), và đường thứ 3 là Bạc Liêu-Rạch Giá-Hà Tiên nối với cửa khẩu Campuchia. Đây là 3 tuyến đường, nếu dồn hết tiền để đầu tư, sẽ giúp kinh tế VN cất cánh cực kỳ nhanh chóng vì miền Tây Nam Bộ là nơi sản xuất ra lúa gạo, thuỷ sản, rau củ quả... chủ yếu giúp VN đứng top đầu thế giới trong suốt 20 năm qua. Hệ sinh thái hạ lưu sông Mekong (dừa và cây nhiệt đới, lúa, tôm cá...) là hệ sinh thái có một không hai trên thế giới, xuất khẩu và du lịch sẽ mang lại rất nhiều ngoại tệ. Các tập đoàn đầu tư đường sá và khu công nghiệp cao ở đây sẽ nhanh chóng thu hồi lại vốn. Các tập đoàn lớn của Việt Nam hoàn toàn có thể tự làm những con đường cao tốc. Hiện tại đường sá ở khu vực này quá ít, quá nhỏ, nên thời gian vận chuyển một container ra cảng xuất quá chậm, không cạnh tranh lại được các mặt hàng tương tự của Thái Lan. Đường sá ít nên các nhà đầu tư lớn như Apple, Samsung, LG, Hyundai, Mitsubishi, Intel...cũng không chọn miền Tây để lắp đặt nhà máy. Người dân ít việc làm nên dưới miền Tây, khi hỏi con cái đâu, thì họ nói "đi Bình Dương". Bình Dương có nhà máy nhiều, việc làm nhiều, nên thu hút nhiều lao động. Từ năm 1995, Bình Dương đã làm hệ thống đường sá cực tốt, nên thu hút đầu tư hơn hẳn các tỉnh giáp ranh Sài Gòn khác như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu....

Vùng thứ 2 cần làm cao tốc là trục từ Tây Nguyên ra cảng biển Nam Trung Bộ, mà quan trọng nhất là trục cao tốc từ Đăk Lăk đến cảng Vân Phong, từ Pleiku đi Quy Nhơn, 2 cảng biển lớn của Việt Nam. Hàng hoá từ Tây Nguyên và Lào sẽ đến đây để xuất đi khắp thế giới, góp phần phát triển mạnh mẽ khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đường trải dầu (nhựa hắc ín lấy từ biển Chết) được người Pháp trải đầu tiên ở nước ta là quốc lộ 26 bây giờ, nối Đăk Lăk và Khánh Hoà, do Bác sĩ Yersin đề xuất và toàn quyền Paul Doumer cho triển khai, vì tiềm năng của 2 vùng Tây Nguyên-Nam Trung Bộ, phải có đường để kinh tế nơi có tiềm năng nhất phát triển lên, rồi lấy tiền thu được của nơi phát triển đầu tư tiếp cho vùng khác. Người Pháp từng nói, phát triển được Tây Nguyên thì phát triển được 3 nước Đông Dương, vì nó là trung điểm. 

Phát triển đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên-Nam Trung Bộ thì tức khắc chúng ta sẽ có 1 lượng tiền lớn trong 5 năm sau, đủ để phát triển mọi vùng khó khăn của đất nước. 

Các tập đoàn xây dựng của VN hoàn toàn có thể thi công đường cao tốc, nên giao cho các tập đoàn tự chịu trách nhiệm, thì mọi thứ sẽ tốt hơn. Uy tín thương hiệu và sự phát triển bền vững của các tập đoàn (cổ phần) sẽ khiến chất lượng mọi sản phẩm họ làm ra rất tốt. Vì họ làm ẩu, họ sẽ trả giá bằng cả sinh mệnh thương hiệu công ty. Họ cũng sẽ tự cân đối để đạt tối ưu, không cắt xén vật tư, không nâng giá kê giá, vì làm chi phí thấp thì tiền lời, họ được hưởng. 

Các bạn đọc bài viết về vai trò đường cao tốc với nền kinh tế Hàn Quốc để có cái nhìn tốt hơn về vấn đề vĩ mô này. Bài viết của hãng thông tấn KBS nổi tiếng của nước bạn. 

Như nhạc sĩ Phạm Duy từng viết trong bài hát Tình Ca, ông khẳng định trong quá trình định cư của người Việt trên dải đất hình chữ S yêu thương, "Tấm áo nâu, dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, sống no đầy là nhờ Cửu Long". Một kỳ tích sông Mekong sẽ bắt đầu nếu người Việt chúng ta dồn hết tiềm lực đầu tư vào châu thổ con sông dài thứ 12 trên thế giới này. 

http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=history&id=&board_seq=3592&page=0



https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.