Hôm bữa trong hội chợ Hortex Việt Nam, mình gặp một chủ doanh nghiệp người Israel với tài sản công ty lên tới 120 triệu đô la Mỹ, hoạt động đa ngành, trong đó có ngành nông nghiệp. Hỏi thì ông nói xưa ông có tham gia giảng dạy mấy khoá về cách mở doanh nghiệp cho các thực tập sinh nông nghiệp Việt Nam sang đó và cả lớp thạc sĩ về quản lý nữa, nhưng "thất vọng vì chưa thấy đứa học trò Việt Nam nào triển khai được như kỳ vọng". Phần lớn các bạn người Việt mà ông từng dạy qua đều có đầu óc khá nhỏ, nghĩ nhỏ, lại theo chủ nghĩa cá nhân nên việc trang bị các kiến thức kia không có ích lợi gì lớn. Họ đi Israel 1 năm về nước, người có tiếng Anh giỏi thì xin đi Úc đi Mỹ tiếp để lao động chân tay, tìm cách ở lại, số còn lại ở Việt Nam buôn qua bán lại cái gì đó & không có thành tựu gì lớn lao. Nên ông nói thôi tao không đăng ký dạy chương trình đấy nữa, thấy tốn thời gian cho cả hai.

Mình nhớ đến lớp MBA của mình ở Mỹ, học xong thì các bạn người Mã người Thái người Hàn người Indo....về nước hết để khẳng định giá trị bản thân, đóng góp cho cộng đồng, chỉ có các bạn người Việt người Ấn Độ và người Philippines trong lớp mình thì tìm cách ở lại. Đến độ có lần ông giáo sư Mỹ phải nói "trường ĐH này chuyên đào tạo tinh hoa, nhận thức và suy nghĩ lớn, đào tạo làm tướng làm tá làm soái trong kinh tế. Các anh chị nên về nước để làm cái gì đó giúp đỡ muôn người, góp phần tăng hàng hoá sản xuất ra cho xã hội. Nước Mỹ hào nhoáng thật đấy nhưng là do do cha ông chúng tôi mấy trăm năm nay gầy dựng, mở cơ sở kinh tế sản xuất chế tạo cái này cái kia. Bây giờ các bạn về, với những gì nhìn thấy ở nước Mỹ, bắt tay vô làm cho quê hương các bạn đẹp hơn nước Mỹ đi. Để trăm năm sau, con cháu các bạn được hưởng thành quả của các bạn hiện tại". Ổng nói vậy mà không mấy ai hiểu vì khi chủ nghĩa cá nhân tràn ngập tâm trí, thì người ta chỉ có thể nghĩ được lợi ích của cá nhân, của gia đình họ mà thôi. Hoặc cũng không đủ tài, đủ trí, đủ thích nghi và chịu cực để làm nên đại nghiệp, ba bữa gặp khó khăn nản chí lại chạy đi qua bển xin việc tiếp. Giống như lên Sài Gòn hay Hà Nội học ĐH, học xong là tìm cách xin việc ở lại, không làm được công việc văn phòng chục triệu thì làm giao hàng shipper vài triệu cũng được, chứ kêu đi Tây Bắc Tây Nguyên Tây Nam Bộ thì bảo xa, đi về miền trung thì nói nắng gió sợ cực thân. Nhường lại những nơi đó cho người nước ngoài sang làm chủ và mình nộp đơn xin học cho 1 công việc để mưu sinh (xin việc đã có động tự XIN, tức thụ động chờ người khác quyết định cuộc đời). Quê nghèo mà sao chẳng thấy có chút trách nhiệm gì, mãi vui thú, tư hữu cho bản thân thì cũng xong 1 đời rất chật. Hết năm hết tháng vẫn không có gì mới, không tạo ra của cải vật chất gì.

Đúng như Chế Lan Viên từng than thở vì đại đa số người Việt, nói cái gì, làm cái gì, nghĩ cái gì cũng nhỏ, cũng hẹp, cũng vì lợi ích cho riêng mình nhiều. Đường làng nào cũng nhỏ cũng "quanh co quanh co có sợi rơm khô". Lên phố thì cũng "ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi thì ở đó". Sợ mất nhỏ nên khó làm nên nghiệp to. Ưa sự tiện nghi ở phố, ưa sự nhẹ nhàng của buôn bán dịch vụ (so với cực nhọc vất vả của sản xuất) đến nỗi Trần Long Ẩn phải thốt lên "ai CŨNG chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình. Phải đâu MAY (thì) nhờ, RỦI (thì) chịu? Phải chăng TRONG-ĐỤC cũng đành? Chân lý thuộc về những người, không chịu sống đời nhỏ nhoi!"

Khi người ta không có lý tưởng sống, không có sứ mạng cuộc đời, không biết mục đích sống trên trần gian này là gì thì không có khái niệm cống hiến và phụng sự. Ai cũng vun vén theo chủ nghĩa cá nhân thì cuộc đời họ sẽ được dẫn dắt bởi tiền và danh. Và sau vài chục năm ngắn ngủi, họ sẽ rời trái đất không có dấu ấn gì để lại. Cái này phải là những mái đầu lớn, rất lớn, mới thấm thía. Còn lại thì sẽ thấy tầm phào. Nếu đến lượt họ, thì họ cũng sẽ chọn lợi ích cho cá nhân mình. Mà khi chọn lợi ích cho mình, cho gia đình, cho vợ cho con...thì vòng tròn cuộc đời rất nhỏ, di sản để lại cho nhân loại không có gì ngoài tấm bia mộ ghi số năm hưởng dương (tức số năm thở và ăn, ngủ, tắm, rồi lại ăn ngủ và tắm).

"Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Hạnh phúc đựng trong 1 tà áo đẹp

Một mái nhà yên, rủ bóng xuống tâm hồn

Trăm cơn mơ không chống nổi 1 đêm dày

Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi.

Lòng ta thành con rối

Cho cuộc đời giật dây..." (Chế Lan Viên).



https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.