(Bài viết mà mọi thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên và những ai quan tâm đến giáo dục nên đọc). 

1. Nhiều bạn vừa hoàn thành tú tài năm nay và chuẩn bị đi du học, hoặc có học bổng, hoặc gia đình có điều kiện. Điều này là rất tốt. Thế giới phẳng và nhỏ xíu, du học không còn là chuyện xa xôi. Học ở đâu cũng được. 

Về giáo dục phổ thông, (tức 12 năm học đầu đời), nhìn chung, kiến thức và phương pháp trong giáo dục phổ thông các nước trên thế giới thì không khác nhau mấy (Ở Việt Nam cũng rất rất tốt, chỉ có hơi nặng phần tâm lý học để thi cử. Chỉ cần cắt bớt chương trình để chuyển qua dạy thêm ngoại ngữ và thể dục, cho đi dã ngoại thật nhiều nữa là được. Có thể chuyển sang STEM như bài báo dưới đây). 

Riêng giáo dục ĐH, ở nước ngoài có phương pháp học và dạy khác thời phổ thông. Hoàn toàn không có tình trạng thầy đọc chính tả, trò chép, thi viết lại y chang cái gì thầy nói-qua. CÁCH HỌC ĐÚNG LÀ HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP ĐỂ SINH VIÊN TỰ HỌC, tuyệt đối không để học sinh thụ động, thầy dạy gì biết đó. Cách dạy đúng là CHO CÁC BẠN ĐỌC, BẮT BUỘC ĐỌC VÀ TỰ RÚT RA KIẾN THỨC. GIỜ GIẢNG CHÍNH LÀ GIỜ SINH VIÊN HỎI GIÁO VIÊN. GIÁO VIÊN KHÔNG BAO GIỜ GIẢNG NHỮNG GÌ ĐÃ GHI TRONG SÁCH, CHỈ TRẢ LỜI CHO HỌC VIÊN. Thư viện là nơi sinh viên lui tới nhiều nhất để đọc sách. 

Theo thống kê, một người muốn nắm chắc một lĩnh vực = 5% thầy + 5% công cụ hỗ trợ + 90% tự học. Ai giỏi tiếng Anh hoặc bất cứ lĩnh vực gì cũng sẽ thấy rõ công thức này. Nếu cho vô trường xịn, vật chất tốt, thầy giỏi cỡ nào mà bản thân không chịu tự học thì sẽ thất bại. Vì 90% > 10% rất nhiều. Khi con em hay bản thân chúng ta thất bại, chúng ta không nên trách nhà trường, gia đình hay ai khác, vì họ chỉ chiếm có 10% mà thôi. 

2. Nhiều bạn có điều kiện đang tìm hiểu để đi du học. Nhưng câu hỏi đặt ra là học cái gì, ở đâu? 

Học cái gì? Xu thế bây giờ thế giới người ta học cái gì mà có nghề trong tay, hoặc có trí óc tốt thì nên học STEM. Các bạn đọc bài báo dưới đây để biết STEM là gì nhé.

" STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học)". Chìa khoá cất cánh của mọi quốc gia. Khái niệm Stem trên thế giới giờ ai cũng biết.

Học ở đâu? Ở đâu cũng được, ưng đâu học đó. Về công nghệ thì Hàn, Nhật, Singapore thậm chí còn hơn Âu Mỹ, nhưng xã hội ở đó không có văn minh phương Tây, cái cần trải nghiệm trong mấy năm học. Học không chỉ là kiến thức mà còn trải nghiệm với xã hội. 

3. Chúc các bạn chọn ngành và chọn nơi học phù hợp nhé. Nếu không đi du học được thì cũng chọn thành phố khác, hoặc ra ngoài ở trọ, ở ký túc xá. Nếu dân SG thì lên Đà Lạt, ra Đà Nẵng học. Không nên ở với cha mẹ khi đã 18 tuổi, mọi thứ sẽ ăn sẵn, có sẵn....thì sẽ không trưởng thành được. 18 tuổi, cha mẹ phải thả con cái bay đi. Nếu cha mẹ vẫn còn nếp cũ, đòi giữ rịt lại thì con cái cũng phải cương quyết ra riêng, tự học, tự làm....để tự thân lập nghiệp. Họ khóc lóc làm dữ từ mặt kể lể hiếu thảo công lao...gì kệ họ, mình cứ kiên quyết ra riêng và thường xuyên về thăm họ là được. Đời mình là của mình, mình phải nắm lấy quyền quyết định. 

"Trưởng thành vùng vẫy Đông Tây

Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn"

Đi đi đi...

Chuyện giáo dục Bồ Đào Nha "lột xác" nhờ STEM qua con mắt GS. John Vũ

Câu chuyện “chuyển mình” đất nước của Bồ Đào Nha bằng chiến lược giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) được Giáo sư gốc Việt John Vũ, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Đại học Carnegie Mellon - Hoa kỳ chia sẻ.

Trong nhiều năm, kinh tế Bồ Đào Nha (Portugal) phụ thuộc chính vào lao động chi phí thấp và công nghiệp du lịch. Nhiều nước Tây Âu như Pháp, Anh, Đức, Áo chuyển công việc chế tạo thủ công tới đó để tận dụng ưu thế chi phí thấp. Tuy nhiên, Chính phủ Bồ đào Nha không nhìn thấy cạnh tranh từ các nước Đông Âu khi các nước này gia nhập Liên hợp châu Âu. Trong một thời gian ngắn, các nước này trở thành đối thủ cạnh tranh với Bồ Đào Nha vì họ có chi phí thấp hơn, nhiều công nhân hơn, và khuyến khích thuế tốt hơn cho doanh nghiệp tái định vị ở đó.

Chỉ trong vài năm, nhiều doanh nghiệp và cơ xưởng của Tây Âu đã chuyển ra khỏi Bồ Đào Nha qua các nước Đông Âu. Đột nhiên, nền kinh tế Bồ đào Nha sụt giảm lớn với thất nghiệp cao, chi phí sống dâng lên, và lạm phát khổng lồ.

Một nhân viên chính phủ than thở với báo chí: “Quốc gia cũng giống như công ty nghĩa là phải nhìn xa và đi trước với đối thủ cạnh tranh. Không may Bồ Đào Nha đã không nhận ra rằng nền kinh tế của nó dựa trên chi phí lao động thấp không thể cạnh tranh với các quốc gia có chi phí thấp hơn, điều kiện thuận lợi hơn trong thế giới toàn cầu hoá cho tới khi quá muộn”. Chính phủ Bồ Đào Nha đã thử nhiều kế hoạch nhưng không thành công. Họ đã chi nhiều vào các dự án để kích thích kinh tế nhưng thất nghiệp vẫn cao, lạm phát ra ngoài kiểm soát, cắt giảm ngân sách không hiệu quả và khoản nợ cộng đồng chung Âu Châu tiếp tục tăng cao.

Chính phủ Bồ Đào Nha đã đưa ra một kế hoạch táo bạo cho tương lai để biến đổi xã hội lao động chi phí thấp nước này thành xã hội tri thức với công nhân có kĩ năng cao. Để làm điều này, việc đầu tiên là cải tổ hệ thống giáo dục nên chính phủ đã đưa ra một chương trình trang bị cho mọi học sinh (từ trường tiểu học tới đại học) bằng máy laptop và truy nhập vào Internet. Đồng thời họ cấp tốc đào tạo một số lớn thầy giáo công nghệ STEM bằng việc gửi nhiều thầy giáo tu nghiệp tại Phần Lan và Đan Mạch, nơi có chương trình đào tạo giáo dục tốt nhất.

Để chi phí cho kế hoạch này, chính phủ sử dụng tiền thuế đánh trên các điện thoại thông minh và các công ty di động, được cấp phép để hoạt động ở Bồ Đào Nha. Vì điện thoại di động trở nên thông dụng và nhiều công ty điện thoại ngoại quốc xin hoạt động tại đây nên chính phủ thu được một ngân khoản lớn và họ dùng ngân khoản này vào giáo dục và đào tạo.

Ngày nay, mọi giáo viên hay học sinh đều có thể mua laptop với xấp xỉ $200 đô la Mĩ. Họ cũng được tỉ lệ giảm giá cho truy nhập Internet băng rộng. Học sinh với gia đình có thu nhập thấp được giảm giá lớn hơn và trả xấp xỉ $120 đô la Mĩ cho laptop và không phải trả tiền cho kết nối internet. Học sinh từ lớp 1 tới 6 có thể mua laptop cùng truy nhập Internet với giá $60 đô la Mĩ. Chính phủ cũng đã đầu tư trên $500 triệu đô la Mĩ để lớp học đều có truy nhập vào Internet và mọi lớp học có bảng thông minh tương tác, máy chiếu đa phương tiện, thay vì bảng đen.

Năm năm trước, chỉ 28% người ở Bồ Đào Nha có truy nhập vào Internet nhưng ngày nay con số là 75%. 9 trong 10 học sinh ở Bồ Đào Nha có laptop với truy nhập internet. Chỉ trong một thời gian chưa đầy năm năm, hệ thống giáo dục tại đây đã thay đổi.

Edduardo, một giáo sư đại học cho biết: "Khi các giáo sư tu nghiệp từ Phần Lan trở về, họ cải tiến hệ thống giáo dục với phương pháp giảng dạy mới "Học qua Hành" (Learning by Doing), loại bỏ một số kỳ thi không cần thiết và chú trọng vào STEM. Hệ thống giáo dục truyền thống được biến đổi thành phương pháp học qua cộng tác. Sau khi nghe nói, tôi rất muốn quan sát xem cách dạy của họ ra sao.

Eduardo đưa tôi vào một trường tiểu học gần đó và tôi ngạc nhiên về cách học sinh học Địa lí. Bắt đầu lớp, cô giáo hỏi: “Các em có biết Sri Lanka ở đâu không?” Tất nhiên, không ai biết cho nên cô giáo nói: “Sao các em không tìm và nói cho cô nghe về điều đó?” Đột nhiên cả lớp trở nên ồn ào khi học sinh mở laptop của họ, kết nối với website giáo dục để tìm xem Sri Lanka ở đâu. Họ tìm trên internet, thu thập thông tin và thảo luận với nhau. Sau 10 phút, một nhóm gồm ba hay bốn em nhỏ giơ tay: “Chúng em đã tìm thấy nó và sẵn sàng trình bày”. Cô giáo gật đầu và cho phép nhóm này được kết nối máy tính của họ vào máy chiếu đa phương tiện.

Một học sinh bắt đầu giải thích chi tiết về Sri Lanka bằng hình ảnh, cậu ta trích dẫn về dân số, xã hội, văn hoá, thành phố, phong cảnh của nước đó cho lớp. Nghe một câu bé khoảng 10 tuổi trình bày chững chạc với chi tiết dẫn chứng làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã dạy nhiều năm tại Âu Châu, từ Pháp, Đức, Ý và thấy ngay cả sinh viên đại học cũng không mấy khi trình bày trong lớp như thế.

Sau bài trình bày ngắn, cô giáo tỏ ra hài lòng rồi nói: “Bây giờ tiếp tục học thêm về Thái Lan. Cô muốn biết tổ nào có thể cho bài trình bày tốt hơn tổ thứ nhất”. Tôi thấy rõ nhiệt tình của những đứa trẻ này, tôi thấy sự năng nổ của chúng khi chúng truy nhập vào internet và thảo luận với nhau về cách chuẩn bị bài trình bày của chúng. Tôi thấy cô giáo quan sát từng bàn, đi quanh lớp xem xét học sinh thu lấy thông tin và trả lời câu hỏi. Tất nhiên, là giáo sư đại học tôi quen thuộc với cách dạy học bằng sự khuyến khích tương tác và cộng tác qua việc dùng công nghệ nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy điều này xảy ra trong trường tiểu học.

Khi quan sát những học sinh còn nhỏ tuổi tại trường tiểu học này, tôi có cảm tưởng rằng hệ thống giáo dục tại đây đã có sự thay đổi hướng đến một tương lai sáng hơn và công nghệ có thể giúp cho học sinh học tích cực hơn. Tôi thấy những em học sinh thích thú học tập khi chúng cộng tác với nhau để thu lấy thông tin. Thay vì ngồi yên thụ động trong khi giáo viên dạy và viết lên bảng đen, những học sinh này được khuyến khích truy cập vào Internet để thám hiểm mọi thứ trên website giáo dục. Chúng khám phá ra những điều mới, chúng phân tích thông tin, chúng thu thập dữ liệu, chúng thảo luận và tổ chức bài trình bày của mình. Giáo viên chỉ hướng dẫn và khuyến khích chúng học.

Carmelita, cô giáo trường tiểu học nói với tôi: “Khi xưa, tôi thường dành mười giờ để chuẩn bị cho bài giảng nhưng bây giờ tôi chỉ hội tụ vào kết quả của việc học của chúng. Tôi có nhiều thời gian hơn cho mình và phương pháp học qua hành để học sinh tự học, tự khám phá là rất tốt”. Cô ấy tiếp tục: “Điều đó cho phép tôi thay vì là người DẠY mà trở thành người NGHE, và lắng nghe điều học sinh phát biểu khi chúng học. Tôi thảo luận với chúng thay vì giảng bài cho chúng. Tôi khuyến khích chúng tự tìm lấy tài liệu, tự khám phá những điều chúng không biết, tự tìm hiểu và đào sâu vào kiến thức của chúng, động viên chúng học theo cách riêng của chúng, và nghĩ về cách giải quyết vấn đề thay vì chỉ ghi nhớ điều tôi nói với chúng. Với phương pháp học mới này học sinh cộng tác để học khi chúng thảo luận với nhau và tổ chức tư duy riêng của chúng. Là một giáo viên, tôi chỉ kiểm tra công việc của chúng và đo kết quả học tập của chúng.”

Eduardo bảo tôi rằng, Bồ Đào Nha đã đầu tư nhiều vào đào tạo giáo viên. Hệ thống giáo dục có cổng website cho phép giáo viên làm việc cùng nhau để tạo ra bài học mới và tổ chức tài liệu môn học tận dụng ưu thế của công nghệ. Qua việc cộng tác này, hệ thống giáo dục của Bồ Đào Nha đã có nhiều tài liệu trực tuyến để giáo dục học sinh của họ. Nhiều ý tưởng mới cho giáo dục đã được các giáo viên đưa vào chương trình học. Ngày nay có 50 chương trình giáo dục khác nhau bên trong laptop của từng học sinh trẻ. Laptop được trang bị cùng với chương trình để ngăn ngừa học sinh truy nhập vào các website xấu và động viên chúng hoàn thành bài tập về nhà và đạt điểm cao. Nếu chúng làm bài tập về nhà tốt và được điểm tốt, chúng có nhiều thời gian hơn để chơi trò chơi máy tính, và các con robots được thiết kế cho mục đích giáo dục nếu không học hay có điểm tốt, phần mềm sẽ tự động đóng lại và chúng không thể chơi videogame hay điều khiển những con robots được nữa.

Khi tôi rời khỏi Bồ Đào Nha, tôi bị ấn tượng với nỗ lực này của chính phủ. Ít nhất họ cũng đã nhận ra rằng nền kinh tế dựa trên ưu thế lao động thấp không còn kéo dài lâu trong thế giới đã toàn cầu hoá. Tôi cũng bị ấn tượng với nỗ lực để biến đổi một xã hội dựa trên chế tạo thành xã hội tri thức bằng việc bắt đầu với công nghệ thông tin. Tất nhiên, vẫn còn sớm để biết liệu cải tiến này có làm ra thay đổi gì trong thành tựu giáo dục trong các nước Tây Âu hay không. Hệ thống mới này chỉ mới được vài năm và có thể cần một số thời gian cho kết quả hiện ra. Tuy nhiên dựa trên điều tôi đã thấy, tôi thực có hi vọng cao cho họ.

Tôi KHÔNG tin rằng việc cung cấp laptop hay truy nhập internet cho học sinh là đủ tốt. Công nghệ chỉ là công cụ cũng giống như giấy hay bút chì mà học sinh dùng trong trường. Nhưng việc đào tạo các giáo sư bắt đầu từ trường tiểu học lên trung học là tuyệt vời. Cải tiến giáo dục phải bắt đầu tư các thầy giáo vì chỉ thấy giáo mới có thể thay đổi hệ thống mà họ làm việc trong đó. Đây là một chính sách đúng và một chiến lược khả thi.

Cải tiến thực sẽ xảy ra khi chúng ta giáo dục học sinh về cách chúng tự học, tự tìm hiểu, tự phát triển kiến thức và kĩ năng của chúng và đây chính là ý thức mới cho giáo dục của thế kỷ 21.

Giáo sư John Vũ

(Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Đại học Carnegie Mellon - Hoa Kỳ)



https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.