Truyện hay ai cũng nên đọc. 

Những người thông thái, các nhà quản trị cấp cao...đều thuộc nằm lòng bài học con khỉ và quả chuối. Họ áp dụng để nhận biết bản chất con người, của nhân viên, của cộng sự....để biết ai nên đi xa với mình. "Trước đồng tiền, bản chất con người thế nào sẽ lòi ra thế ấy- trích Trên đường băng, trang mấy quên rồi". Có câu khá hay: "Tiền là máu, là nước mắt của bao thế hệ nên có một giá trị tâm linh rất lớn. Phải của mình làm ra, thật sự đổ mồ hôi công sức thì sẽ giữ được. Còn nếu không, sớm muộn cũng ra đi theo quy luật riêng, bất luận ai cũng cố giữ". 

Người xưa thường thử thách lòng người như bắt đấm để thưởng xôi, nên nhiều người đã "cố đấm" đến kiệt sức để được "ăn xôi", nhưng khi đấm xong thì mệt quá, mở miệng ra không nổi. Hay chơi trò treo tiền trên cột mỡ, nam thanh nữ tú thi nhau treo lên để lấy tiền, trơn tuột, nhưng hầu như không ai từ bỏ ý định. 

Ở châu Á, càng nhiều con bố mẹ càng khổ. Dù giáo dục thế nào, "cha chung không ai khóc", kể cả những trí thức bậc thầy như Lý Quang Diệu, con cái họ đều bậc tinh hoa hàng đầu những vẫn choảng nhau khi cha mất. Bất luận giáo huấn dặn dò hay di chúc, cứ còn "để lại" là còn bất đồng, tranh giành, từ mặt. Còn ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, ngày làm đám tang cha mẹ cũng là ngày toà nhận được đơn tranh chấp, dù là căn nhà nhỏ của cha mẹ, miếng đất hương hoả của ông bà hay quyền sở hữu những tập đoàn lớn. Ráng đẻ nhiều con, cho ăn học thật nhiều, thương yêu thật nhiều, hy sinh thật nhiều, tưởng là "phúc" nhưng cuối cùng lại sinh "hoạ". Cố lấy về mọi thứ (có thể) cho gia đình, gia tộc, con cái...nhưng lại chính bị gia đình, gia tộc, con cái ấy làm cho khổ tâm một đời. Người phương Tây họ gọi hiện tượng này là "lời nguyền châu Á". 

Ba cái khiến người ta khổ là "tham, sân, si". Tham đứng đầu. Khi nào con người đủ nhận thức để nhận ra "phúc phần" của mình, muốn giàu có thì tự làm để tạo ra, không tham giành giật phần của người, thì tự dưng sẽ hạnh phúc. 

Hạnh phúc, đơn giản chỉ là một cảm giác. 

Sáng nay, trên TnBS. 

Bài học nhìn người muôn đời sâu sắc của Gia Cát Lượng: Trước lợi lộc, mọi mặt nạ đều bị gỡ bỏ

Gia Cát Lượng nổi tiếng là một bậc quân sư lỗi lạc, đại tài khiến người đời sau thán phục. Cho đến nay, bài học về cách nhìn người của ông vẫn là điều mà nhiều người tâm đắc.

Nói về cách dùng lợi danh để nhìn rõ một người, bậc quân sư lỗi lạc Gia Cát Lượng có quan điểm:

Lợi danh bày trước mắt sẽ khiến con người bộc lộ rõ bản chất. Trước cơ hội có được một món lợi lớn, cách phản ứng sẽ nói lên bản chất thực sự của mỗi người.

Người thanh liêm có lòng tự trọng cao, họ biết người biết ta, làm việc công tư phân minh, cẩn trọng. Ngược lại, những người để "đám mây" danh lợi che mờ lí trí và bỏ qua mọi điều khác để đạt được lợi ích cá nhân.

Gia Cát Lượng cho rằng, một người liêm khiết thường có những đặc điểm như luôn luôn trung thành, làm việc liêm chính vô tư, thấu hiểu nỗi khổ của dân chúng, chú trọng tiết kiệm, không hám giàu sang, không mê tửu sắc, tự khép mình vào kỷ luật.

Trong ngụ ngôn Hy Lạp cũng có một câu chuyện kể rằng: "Xa xưa, một vị quân vương nuôi vài con khỉ trong nhà. Vị quân vương luyện cho lũ khỉ cách nhảy múa và cho chúng mặc những bộ quần áo tuyệt đẹp, đeo cho chúng những chiếc mặt nạ hình mặt người.

Một ngày kia, vị quân vương tổ chức yến tiệc và bắt bọn khỉ nhảy múa cho các triều thần thưởng thức. Diễn xuất điêu luyện giống như các mỹ nữ của lũ khỉ khiến ai cũng phải khen ngợi. Nhưng trong số các triều thần, một vị đã cố ý làm rơi một trái chuối trên sàn nhà. Ngay lập tức, những con khỉ đã tháo bỏ lớp mặt nạ, lao vào để tranh nhau trái chuối. Kết quả là cuộc trình diễn được dàn dựng tinh vi của lũ khỉ đã trở thành trò chế giễu cho mọi người". Rõ ràng, khỉ vẫn mãi là khỉ. Dù có đeo mặt nạ, mặc trang phục và bắt chước động tác của người, chúng vẫn không thể che giấu bản chất thực sự.

Hàng ngày, chúng ta cũng phải đeo những chiếc mặt nạ để đóng các vai diễn trên "sân khấu cuộc đời". Những kẻ tiểu nhân đeo mặt nạ sẽ khiến người khác tưởng nhầm là quân tử. Kẻ ác đeo mặt nạ đóng vai người lương thiện, kẻ ham lợi danh giả vờ là người liêm chính khiến người khác mất cảnh giác... Những chiếc mặt nạ khiến cho chúng ta không thể đánh giá đúng và phòng bị đối phương trong nhiều tình huống.

Nhưng cho dù cải trang thế nào, khi đứng trước lợi lộc, gặp phải những thứ trong lòng yêu thích, bản chất thực sự của con người sẽ biểu hiện ra một cách vô thức. Kẻ háo sắc dù có tỏ ra đàng hoàng, tử tế, nhưng trước người đẹp cũng khó che giấu bản chất thật qua ánh mắt, cử chỉ. Người hám lợi danh sẽ khó lòng giữ được phong thái đạo mạo khi những lợi lộc bày ra trước mắt.

Áp dụng trong các tình huống thực tế của cuộc sống, những ham muốn, sở thích thực sự của một người sẽ khiến anh ta quên đi "vai diễn" của mình mà lộ rõ bộ mặt thật. Từ cách phản ứng của một người trước lợi danh, chúng ta có thể đánh giá bản chất thực sự của anh ta và có cách ứng xử thích hợp.


https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/



Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.