Hôm trước chúng ta đã học 1 số bài thơ Tàu, hôm nay chúng ta sẽ học thơ Tây cho nó cân bằng Âu Á. TnBS sẽ giới thiệu một số bài thơ, vở kịch, nhạc phim kinh điển thế giới. Tony đi mấy chục nước, lúc làm việc thì không nói gì, lúc trà dư tửu hậu người ta hay bàn bạc về thơ nhạc cổ điển, Tony ngày xưa cũng không biết nên chỉ cặm cụi ăn và ăn, không góp chuyện được. Tức quá nên về nước, Tony bèn xách cặp đi học nên giờ biết cũng kha khá. Tony sẽ giúp các bạn có các kiến thức này để đi quốc tế, người ta nói, người ta hát thì mình phụ họa theo. Có lần đang ngồi ăn tối ở một nhà hàng ở New York, nghe một giai điệu cổ điển vang lên, ông khách Ý nói đây là bài Xô Nát Ánh Trăng (Moonlight Sonata) tụi mày ở châu Á có biết không, Tony trề môi dài cả thước nói bài này ai chả biết, theo tao thì Beethoven thế này thế kia...Khách cả chục nước bu lại nói ủa người châu Á mày giỏi thế á, có phải mày là người thông tuệ nhất ở Á châu không. Cái Tony nói "cũng thường thôi, kiến thức phổ thông ai chả biết". Nói vậy đó.

Mình cứ tìm tòi nghiên cứu thêm, trở thành công dân toàn cầu phải như thế. Tự tin, đẳng cấp, hất mặt lên trời. Mình quá văn minh, quá giỏi, quá đẹp thì Tây Tàu gì cũng xách dép theo mình.

 “Có nơi đâu đẹp tuyệt vời. 

Như sông như núi như người Việt Nam?”

---------------------------------------------------------

Bài 1: Thơ Sách Bia Ờ

William Shakespeare (quy- li- am sách- bia- ờ) là văn nhân vĩ đại của nước Anh và nhân loại. Dù thời đại ông sống cách xa chúng ta những 400 năm, nhưng những giá trị nhân văn trong các tác phẩm văn thơ kịch của Sách-Bia-Ờ vẫn sống mãi. Sách Bia Ờ được xem là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất tới văn hóa phục hưng châu Âu. Những vở kịch nổi tiếng như Hăm Lét hay Rômê ô- Chu-Li Ét…vẫn được diễn đi diễn lại hàng triệu lần, từ sân khấu lớn nhất Luân Đôn hay một buổi biểu diễn trên lớp của học sinh phổ thông trên một làng heo hút nào đó tận Phi châu. 

Hôm nay, chúng ta cùng nhau đọc 1 bài thơ khá nổi tiếng của Sách Bia Ờ, 1 bài Sonnet (bản Việt do dịch giả Thái Bá Tân dịch), TnBS nhớ mang máng nên không chính xác (làm biếng tra cứu lại quá), mời các bạn đọc để cảm nhận giá trị của bài thơ này (các bạn nên tra thêm phần tiếng Anh để học thuộc, khỏi học trường quốc tế từ bé cũng vanh vách nhé).

Mở đầu, là một câu nói hết sức phũ phàng khi cô gái định tặng cho chàng bức hình của cô:

“Anh không cần bức chân dung em tặng”

Cô gái òa khóc. Nhưng sau đó, chàng trai đọc ngay:

“Chân dung em anh đã khắc trong tim.

Hơn tất cả thuốc màu và giấy trắng,

Tận đáy lòng, anh giữ mãi hình em.”

Tới đây thì cô gái lại mỉm cười. Dù mắt vẫn ngấn lệ

“Và một khi trái tim còn biết đập

Và loài người đang còn biết yêu nhau,

Khi tất cả bụi thời gian phôi lấp,

Thì hình em-anh vẫn mãi trong đầu”

Nghe vậy, cô gái vô cùng sung sướng, không ngờ anh chàng này yêu mình đến thế. Anh bèn giải thích cho câu thơ đầu tiên: 

“Không giấy mực nào, giữ em lâu đến thế,

Nên chân dung kia, em cứ cất cho mình.

Em nghĩ xem, anh cần gì bức vẽ?

Khi lúc nào em cũng ở trong anh?”

Rồi anh kết luận:

“Nếu nhớ nhau, mà phải nhìn chân dung hay người thật. 

Nghĩa là chúng mình còn có thể quên nhau”.


https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/


Found this article interesting? Follow Tieptheo.com on Facebook, Twitter and Telegram to read more exclusive content we post.